hành trình, về màu sắc chính trị của những vị khách bí mật, lặng lẽ như một
cái bóng trong một ngày đêm lưu trú tại nhà ông. Bởi vì cụ thân sinh và ông
không hề có dự kiến làm chính trị, song rất tôn trọng những vị khách qua
đường xin tạm trú để xuất dương, hi sinh cho đất nước.
Cảnh nhà ngày thêm sa sút, Lan Khai tự thấy không thể nằm co nghiền
ngẫm thi thư, mong có ngày chiếm bảng vàng như những thư sinh thời xưa
cũ. Cô đơn, buồn khổ, ông tìm cách khuây sầu. Thế rồi Lan Khai cầm bút,
thử viết bài gửi về Hà Nội, thủ đô văn học mà anh chàng mán xá hằng mơ
ước. Chuyện lạ đường rừng do đó được chào đời, ra mắt độc giả tờ Ngọ
Báo, Tam Lang chủ bút. Những năm tháng thời niên thiếu, Lan Khai đã
lang thang hầu khắp miền sơn cước, sống và làm việc với dân tộc ít người,
Mán, Thổ, Lô-Lô, cà răng căng tai, sơn đầu, đủ loại. Ông học được khá
nhiều tiếng nói của họ, vì thế ông càng yêu họ, cảm thấy máu thịt họ là máu
thịt ông.
Chuyện lạ đường rừng được đặc biệt hoan nghênh. Cứ buổi sáng thứ Hai
là trẻ bán báo chạy tới tấp rao ngoài phố: “ Ngọ Báo - Chuyện lạ đường
rừng đây!” Ông viết hay, cốt truyện nào cũng li kỳ, rùng rợn. Người Hà
Nội, vào thuở ấy, nào mấy ai bỏ phố phường lên rừng núi đèo heo hút gió,
ma thiêng nước độc, thêm cả nỗi sợ thấy người rừng. Cho nên, mỗi thiên
truyện Lan Khai là một chuyện lạ lùng, đưa con người thành thị đến gần
những người của ma thiêng nước độc mà cứ nghĩ đến, họ đã rùng mình sợ
hãi. Bùi Xuân Học, chủ Ngọ Báo, nhờ Lan Khai, kiếm bở, lại thêm mỗi
sáng thứ Tư Chuyện nhà binh của Đội Tứ cũng có sức câu độc giả. Lượng
báo in tăng như gió. Vậy mà, Lan Khai và Đội Tứ vẫn sống nghèo, sống
đói ở nơi rừng núi. Chủ báo Bùi Xuân Học không hề hỏi địa chỉ Lan Khai,
không hề gửi một tờ ngân phiếu. Cũng do vậy, nhà văn đường rừng tức khí,
nhất định lạy từ cụ thân sinh, bốc vợ con bò về cái thủ đô văn học bạc bẽo
này, tìm cách sống bằng văn bút.