Gần đây một bức thư của một bạn văn tên tuổi ở miền Trung
8
- một cử
nhân triết học - bay đến tay tôi. Qua bốn trang giấy dày, anh triết luận về
cái sống và cái chết của Kipling, của Sartre, của anh. Anh đã đọc tất cả các
bài hồi ký của tôi. Tôi xin trích một đoạn ngắn trong thư, nhà triết học trẻ
tuổi này ngỏ ý về ký sự:
“ Cháu rất mong những bài anti-mémoire của bác, để nhìn lại lịch sử
dưới con mắt của một nhà văn đã trải cuộc sống, đủ năng lực phán xét thực
sự. Ai cũng có thể viết mémoire được nhưng viết anti-mémoire thì chỉ một
số người đủ trung thực, và đủ trí tuệ để phán xét về sự thực ấy... ” .
Tôi coi những câu này là lời tâm đắc, khích lệ tôi, dầu não yếu, tay run,
vẫn cố sức viết ký sự nói về những hồn ma chí thân chí thiết của tôi, đồng
thời, nói với những người còn tồn tại trên cõi thế gian tạm bợ này về những
nghiệp văn oan trái của một số người trước kia đã cúi đầu hứng chịu những
roi đòn định mệnh.
Như tôi thường nhắc nhiều lần, bọn viết lách chúng tôi, thời cũ, sống với
nhau, cũng như đối với cuộc đời hết sức trân trọng, hết tình thân ái. Chúng
tôi luôn giữ cách sống cho phong nhã, nghiêm chỉnh mà vui vẻ, lễ độ, dù
chung sống với cô gái yên hoa, sa chân lỡ bước...
Ngày ấy đã quá xa rồi, ngày nay tôi thấy một số bài viết phê phán, có thể
nói là giễu cợt...
Thưa rằng, không có những trò hề ấy ở thời chúng tôi. Quả tình chúng
tôi có lạy nhau, chỉ khi nào trong phòng kín, chúng tôi bái phục một áng
văn tuyệt bút của tiểu thuyết gia này, nhà thơ nọ. Lê Văn Trương, Lan
Khai, những con người ngang bướng ấy, đã nhiều lần vái lạy Vũ Hoàng
Chương, J. Leiba, Đinh Hùng, Nguyễn Bính... Người xưa, nhất là kẻ sĩ, đi
vào triều kiến hoàng đế, có khi không lạy, nhưng đi đường, thấy tảng đá núi
dáng hình kỳ lạ, ông ta vội thụp xuống lạy, gọi là “bái thạch vi huynh”. Kẻ
sĩ biết ngẩng cao đầu, cũng có lúc biết cúi đầu.