Ô này, tôi đã lạc đề rồi. Xin trở lại với mấy cô bán mơ trên vỉa hè, nghĩ
về mấy thôn nữ hái mơ rừng Chùa Hương của thi nhân Nguyễn Bính.
Tôi nhớ năm 1939, một bọn nhà thơ thành phố Nam Định, trong đó có
Hiếu Lang, tức Đồ Đức, Võng Xuyên, Nguyễn Bính, Việt Quyên (nhà thơ
trào phúng tuyệt vời), Nguyệt Hồ họa sĩ, cuối là tôi. Các ông đều chết cả
rồi. Nay còn sót lại họa sĩ Nguyệt Hồ (nhiều năm minh họa cho Tiểu thuyết
thứ Bảy, nay đã 92 tuổi).
Chúng tôi thuê chiếc thuyền lớn trên sông Đáy, khởi hành từ Phủ Lý vào
Bến Đục, Chùa Hương. Trong thuyền, ngoài lũ chúng tôi, còn có một đào
nương ca trù, một ông kép đờn luống tuổi. Trong khoang rộng trải chiếu
hoa, đặt một khay đèn nha phiến, theo đề xuất của nhà thơ Nguyễn Bính.
Thời ấy chuyện mượn “ả phiến” làm khuây là chuyện rất bình thường.
Cuộc họp mặt bình văn nào, cuộc du hí lớn nhỏ nào cũng không thể vắng
nàng tiên nâu nũng nịu, duyên dáng.
Thuyền rời bến Phủ Lý vào chập tối. Đàn đáy đã rung tơ, phách đàn
nương đã hòa nhập cùng sóng vỗ mạn thuyền. Tiếng trống của Hiếu Lang
đã lách vào đàn, vào phách, khuyên những lời văn đẹp ca trù của Nguyễn
Công Trứ, Tú Xương, Tản Đà, Dương Thập Lang (con Dương Khuê, một
tay chơi sành sỏi như tiến sĩ phong lưu Nguyễn Khản).
Con dê buộc ở đầu thuyền đã được ông lái thuyền hóa kiếp. Ông và cô
gái xinh đẹp đang dọn tiệc. Nửa đêm, trời đổ cơn giông, gió xoáy, sấm ran
trời, mưa trút. Gió giật mạnh liên hồi, con thuyền tuy được cha con ông lái
già cố điều khiển mà vẫn trườn lên ngụp xuống, có khi quay theo sức lốc.
Chúng tôi không ai biết làm dấu thánh, cũng không ai biết “nam mô” chỉ
nhìn nhau bình tĩnh chờ thăm Hà bá. Nhà thơ Nguyễn Bính bình thản hơn
ai hết, anh vẫn nằm bên ả phù dung, tay che ngọn đèn gió thổi, tay vẫn múa
tiêm như Quan Vũ múa đao.