- Thì cũng cuốn gói chứ gì! Giỏi nhỉ! Ừ, giỏi thì cứ đi cho ta xem…
Thế là vợ chồng to tiếng. Bà mẹ ở trong chăn thò đầu ra chửi cả hai bên.
Chị nhịn trước. Anh ký nằm xuống, xích xa vợ hơn một tí, rồi ngáy ngay.
Được cái anh dễ ngủ. Một ngày hai lần từ ngõ Hàng Khoai qua cầu sông
Cái sang tận Gia Lâm, làm sổ sách cho người ta, rồi thì về, còn sức đâu mà
không mệt. Chị được cái cũng vô tâm và cũng vì công việc quần quật suốt
ngày nên thôi khóc, không trằn trọc nữa, chị ôm hai con mà ngủ ngay sau
đó.
Sáng, mới năm giờ, chị đã dậy đun nước nóng pha trà, đun nước rửa mặt,
rồi đánh thức anh ký dậy. Nhìn chồng dắt chiếc xe đạp cọc cạch ra đường
còn mù mịt bóng tối, chị thương chồng xót xa, hối hận sao đã làm cho
chồng đau khổ vì lời qua tiếng lại, vì nước mắt của mình.
Bảy giờ tối. Lũ trẻ kêu đói ầm lên, anh mới về. Chị khệ nệ bưng mâm
cơm đặt trước mặt mẹ chồng và hai con. Bữa ăn buồn tẻ. Anh ký thì lầm lì.
Anh nghĩ đến ngày mai là ngày Tết Tây.
Ông cụ cai già lại bàn xin cắt anh, ngày mai sẽ thay mặt tất cả, ứng khẩu
chúc tết ông giám đốc. Thành ra, việc kinh tế đã làm anh lo, việc này lại
khiến anh băn khoăn hơn nữa. Anh tự xét học lực của mình có gì đâu, mới
hết lớp nhất, con nhà nghèo đã xoay đi làm, rồi lấy cô vợ nhà quê, rồi ngày
nay vợ là chị ký, chồng là anh ký. Làm mãi quen việc. Tiếng Tây đủ dùng
trong công việc, vậy mà anh vẫn thấy thiếu thốn, túng bấn. “Rồi mai…
mình biết nói gì với chủ đây. Lão ta nói khó nghe gớm đi ấy! Thật là chết
mình, mang tiếng ký với kiếc, giá cứ là anh phu, anh thợ lại yên thân”. Anh
hối hận đi làm về đã không chịu học thêm chữ nghĩa. Về đến nhà, anh chỉ
đọc truyện kiếm hiệp, ngâm thơ cổ. Đi xem chớp bóng thì chỉ chọn phim
Tàu để xem giáp mũ và thành trì thời Chiến quốc. Nói chuyện với ai, anh
chỉ biết nói về ông Uất Trì Cung cầm giản sắt. Ông Tiết Đinh Sơn lấy bà
Phàn Lệ Hoa…