Hắn có một đàn em trong đội tuần sông, họ Đinh, gọi là Đinh Mão, tên
nhóc này giỏi giang, thông minh lanh lợi, hơn nữa còn có thể thu xếp
chuyện làm thêm ở bên ngoài. Một ngày nọ, hai người nhận được một mối
lớn, Lâu gia trang ở thành Nam có một vị lão thái gia mới qua đời. Là thân
hào địa phương, người ta nhà cao gia nghiệp lớn, muốn cử hành một cái
tang lễ thật to thật hoành tráng, thế nên trước tiên mới phải mời thợ dán
giấy giỏi nhất thành về. Có lẽ các bạn đều muốn hỏi, thợ dán giấy là thợ
làm cái gì?
Nói trắng ra thì chính là làm vàng mã, dựa theo kiến trúc phòng ốc trong
nhà mà gấp, dán ra một ngôi nhà bằng giấy, tính ra thì đây cũng là một loại
tay nghề, là thứ việc mà người ta không thể tự làm, cũng không thể không
nhờ tới thợ dán giấy cho được. Trong lúc gấp giấy còn cần phải niệm thêm
mấy câu đại loại như: “Gia đình bình an, tài vận ghé nhà…” Cầu an mà,
muốn làm ăn như vậy thì còn phải có hình nộm, vàng mã, nhà cửa bằng
giấy, phàm là cái thứ gì đốt cho người chết lúc tang lễ, chỉ cần chủ nhà hô
một tiếng, thợ dán giấy đều phải gấp được.
Thầy cả đội tuần sông cũng là tay thạo việc nên hai người Quách sư phụ và
Đinh Mão cũng học được không ít bản lĩnh, tay nghề không tệ, buổi tối thì
ngồi làm hàng mã, ban ngày lại thành chân chạy việc cho người ta.
Khi phúng điếu, linh đường được bày ra ở giữa phòng, đám con hiền cháu
thảo quỳ gối trông linh cữu, bằng hữu thân thích của người quá cố tới thăm
viếng không ngớt, nườm nượp cứ như đèn kéo quân. Mà những nhà khá giả
ngày trước đối với việc tang luôn rất coi trọng, hai bên cửa ra vào dựng hai
cái cổng tò vò thật cao, trên có hoành phi, một bên đề “Thê phong”, bên kia
đối lại là “Lãnh nguyệt”, trước cửa còn dựng thêm một cái cổng lớn hơn
nữa, trên đề ba chữ "Có đại sự". Rồi nào là cơ man các thứ như người giấy