Án theo lệ cũ, trước khi chuyển linh cữu, quan tài ra khỏi nhà thì phải tung
giấy tiền vàng bạc âm phủ một lần, chính là để xua đuổi đám ma cỏ ở bên
ngoài, đại loại như các thứ cô hồn dã quỷ, cho ít tiền để đuổi chúng đi thật
xa, không bám theo đoàn người. Trên đường đi đưa tang, cứ ngã tư đường,
qua sông, rẽ ngoặt, qua cầu, thì nhất nhất đều phải tung tiền âm phủ, đây là
phí lót đường, để cho các thứ ma quỷ không quấn lấy mà lạc lối. Người
tung giấy tiền vàng bạc nắm lấy một mớ rồi tung lên, trước tiên là phải tung
lên thật cao, vung tay là phải hiện ra một đường vòng cung tuyệt đẹp, tung
lên nhiều mà không tỏa, đến khi rớt xuống thì mới xòe ra lả tả hệt như
“thiên nữ tán hoa”, tán nhưng không loạn. Hơn nữa, đám người vây quanh
xem náo nhiệt đều phải lớn tiếng khen hay, như thế mới gọi là thành công.
Quách sư phụ và Đinh Mão thường xuyên lo việc tang lễ, những việc trong
đám tang hôm ấy vào tay bọn họ đều xuôi chèo mát mái cả, lại còn giúp
thêm luôn chuyện rải tiền. Trước sau là ba ngày bận rộn, nào là dán giấy
phết hồ làm vàng mã, nào là chạy chân “tín mã”, tung giấy tiền vàng bạc,
tổng cộng được ba phần tiền công, hơn nữa còn được khoản đãi thêm, đây
cũng chính là chỗ tốt khi lo việc tang lễ cho người giàu, suốt cả năm e rằng
cũng chỉ được dăm ba bận như vậy mà thôi. Theo chân đám đưa tang đến
nghĩa địa, hạ quan xong lại trở về thành, xế chiều hôm đó còn kết thúc bằng
đại tiệc. Phong tục này đến bây giờ cho vẫn còn tồn tại, bất kể là ma chay
hay hôn lễ, xong xuôi đều phải mở tiệc rượu. Ngày cuối cùng luôn cực kỳ
thịnh soạn, theo như tập tục truyền thống thì phải có đủ tám bát.
Đến xế chiều chủ nhà liền mở tiệc, quả đúng là tiệc tám bát thịnh soạn nhất,
tám bát lớn đựng tám món ăn, dĩ nhiên tùy theo đẳng cấp giàu nghèo mà có
sự khác biệt, nhưng nhất định đều phải có tám món còn nóng hổi. Mà tám
món ăn do nhà này bày ra cũng coi như là hàng đầu ở thành Thiên Tân rồi,
bốn xào bốn hấp, gà vịt thịt cá, hải sâm sò khô tôm hùm, từng bát từng bát
bày ra tràn cung mây, bàn tiệc san sát, tha hồ mà ăn.