Ai mà ngờ ngày vui ngắn chẳng tày gang, đến năm Canh tý, quân đội tám
nước liên hợp phá tan cửa ngõ Đại Cô* tiến thẳng vào thành Bắc Kinh,
thành Thiên Tân đứng mũi chịu sào gặp nạn, loạn binh cướp bóc khắp nơi
trên đường, các cửa hàng lớn đều bị cướp sạch. Tiệm vàng, trang sức của
người em cũng bị loạn binh vơ vét không còn một mảnh, phía trước cửa
hàng cũng bị đốt thành một đống tan hoang, sập tiệm kể từ đó, không tài
nào gầy dựng lại được. Hai vợ chồng người em nhất thời quẫn trí, cùng
nhau thắt cổ trong phòng, nói trắng ra là hai vợ chồng nhà này không có
một cái chết yên lành, chính là ma treo cổ.
Lúc ấy tiệm điểm tâm của người anh hai cũng bị loạn binh cướp bóc, nhưng
cũng còn may là chỉ có các thứ thực phẩm điểm tâm nên hao tổn không lớn,
vay mượn chắp vá lung tung khắp nơi, cuối cùng cũng gom lại được một số
vốn để mà tu sửa lại gian ngoài cửa tiệm, vẫn còn có thể tiếp tục làm ăn.
Đến sau này ăn nên làm ra, có tiền mua nhà mua đất, có thân phận nên
cũng không thể nào gọi là anh hai được nữa rồi, mà phải xưng là Nhị gia.
Ngụy Nhị gia sau khi giàu có vẫn thường xuyên nhớ đến hai vợ chồng đứa
em đã thắt cổ tự vẫn, chết quá oan khuất của mình.
Thân là anh em huynh đệ trong nhà, cũng chả khác chi là thịt gân bó vào
xương, vẫn có câu “huynh đệ như tay chân, thê tử như y phục”, quần áo
mất rồi thì còn có thể mua lại, nhưng tay chân đứt lìa rồi dẫu có muốn cũng
mọc chẳng ra. Người sống cả đời, ở bên cạnh không thể không có người
thân, cha mẹ chỉ có thể đi cùng anh hết nửa đời trước, vợ con nhiều lắm
cũng chỉ theo hết nửa đời sau, chỉ có anh em ruột thịt mới cùng nhau đi đến
suốt cuộc đời, vì thế mới gọi là tình như thủ túc.