- Thưa bà con, tôi nghĩ nếu cụ Tô không cứu được hai con trâu thì mùa
này cả phái chúng ta cũng đều lúng túng về chuyện cày bừa. Tôi xin đề nghị
đến ngày cúng cơm mới, nhà nào cũng phải nhớ tới cụ Tô trước nhất.
Cái dáng hấp tấp, lối nói năng bộp chộp, vội vàng và cái xúc động đến
run rẩy cả đôi môi của bác Thuận làm cho mọi người đang mủi lòng thương
tủi cũng phải bật cười. Cụ Hoàng gập người trên chiếc gậy, gật đầu :
- Phải, phải. Phải lắm. Anh Thuận đề nghị rất trúng ý tôi.
Bác Thuận lại tiến thẳng lại phía cái giá, nhìn vào áo và chiếc gậy của
cụ Tô :
- Thưa bà con, tôi còn xin phép một chuyện này nữa. Lúc sinh thời cụ
Tô thường ao ước một cái vỏ đạn để bịt đầu gậy. Chiều nay tôi lượm được
một cái, xin đem cúng cụ.
Vừa nói bác Thuận vừa móc túi lấy một chiếc vỏ đạn ra lắp ngay vào
đầu gậy, bác mỉm miệng, siết chặt, rồi ngắm kỹ đầu gậy với dáng đắc ý :
- Vừa vặn quá. Gậy này thì cụ thích rồi. Gậy này cụ dùng để gõ vào
đầu Thực dân thì sướng tay ghê lắm.
Từ trong đám đông lại có nhiều tiếng cười khúc khích hòa lẫn với tiếng
thở dài. Cụ Hoàng đỡ lấy chiếc gậy, đưa lên cao ngắm nghía :
- Chiếc gậy đẹp quá, đẹp quá.
Dưới ánh đuốc, chiếc vỏ đạn đồng sáng lên lấp lánh. Đứng giữa đám
đông, Nguyễn ngẩng lên nhìn. Mắt hắn bắt gặp một tia sáng ở đầu gậy lóe
ra. Nguyễn không hiểu sao những tia sáng ở đầu gậy lúc này trông dễ sợ
quá. Vụt nhớ lại những chuyện xảy ra lúc sớm, Nguyễn đâm ra sợ hãi, thẹn
thuồng. Hắn cảm thấy cái xấu hổ của một người phạm tội, cái hèn nhát của
một kẻ đào ngũ. Và tuy đang đứng giữa đám đông, Nguyễn vẫn có cảm
tưởng như hắn cách biệt, xa lạ hẳn với cái khối người đang có quyền kiêu
hãnh với cái chí khí quật cường của dân tộc, cái chết đầy nghĩa khí của cụ