BÀN TAY KẺ ĐÓI
HẾT ngày này qua ngày khác, lửa tự trên trời tua tủa đổ xuống. Đất
ruộng trắng hẳn ra, nứt nẻ thành từng hàng dài ngang dọc, ngòng ngoèo, sâu
hoắm. Suối khe cạn rốc cả. Màu xanh rừng cấm hấp hối giữa màu vàng khô
xơ xác của lau lách, tranh, cỏ chỉ cần một mồi lửa đủ để biến tất cả những
kho tàng thảo mộc ấy thành một bể tro than…
Giữa cơn hạn hán kinh khủng ấy, nạn đói hoành hành. Nó diễn biến
một cách mau lẹ quá sức tưởng tượng, lan tràn như nước lụt qua các qua
các xóm, các thôn, các làng, các huyện. Từng loạt hàng trăm, hàng nghìn
người bị nó vật ngã xuống. Dân tình nhốn nháo cả lên. Người ở miền duyên
hải chạy lên miền nguồn. Người ở miền nguồn chạy dồn lên miền Thượng.
Từng đoàn, từng lũ đua nhau tìm đến những nơi mà cái đói chưa kịp tấn
công để mua bán, đổi chác cái ăn. Thoạt tiên còn là lúa gạo, hay những thực
phẩm thông thường. Nhưng thét đến rồi cái gì ăn được là quý. Cái gì bỏ vào
mồm được, nhai được, nuốt được và đủ để an ủi chiếc dạ dày, dầu trong
chốc lát, đều có thể đánh đổi bằng tất cả những thứ được quý trọng lúc
thường. Nồi đồng, mâm thau, trâu bò, đất ruộng, nhà cửa, với một giá rẻ
mạt như cho… Nhưng được thế phải là hạng người còn có đôi chút sức lực,
đồ đạc, vốn liếng. Đến như những kẻ đã quá kiệt quệ thì đành phải khoanh
tay, cam chịu cho cái đói mặc sức mà hành hạ, dày vò. Họ sống ngoắc
ngoải, chống cự một cách yếu ớt, tuyệt vọng với cái chết bằng cách quơ
quào, nghiến ngấu bất cứ là thứ gì kể cả đất cục. Ăn mà chết, ngốn ngấu mà
chết, còn dễ chịu hơn phải sống dai dẳng với một cái dạ dày lép xẹp. Lưỡi
hái của Tử Thần thôi thì cắt xén soèn soẹt suốt ngày thâu đêm. Tử khí bốc
lên ngùn ngụt bao trùm khắp cả đồng quê, làng mạc…
Cũng vào một ngày thê thảm như vậy, trời mới sẫm tối và tuy khí trời
oi ả, nồng bức, nhà ông Chánh Thiện đã đóng cửa im ỉm. Từ dạo nạn đói