Cái lý do chính là vì lão đi ở riêng rẽ một nơi như vậy. Thực ra lão
Biện đâu đã phải lâm vào cảnh cô độc ấy. Lão có một người vợ bằng
xương, bằng thịt hẳn hoi. Vợ lão lại giỏi dang, khỏe mạnh đến vật trâu cũng
ngã, lão lại có một đứa con trai mười bốn, mười lăm tuổi cũng khỏe và cũng
giỏi như mẹ nó. Lão lại có một cái nhà, một khu vườn. Vườn lão : chè mỗi
lứa hái cũng được chục quan tiền nổi, cau mỗi năm bửa và sấy xong cũng
được vài ba « cặp », dâu mỗi lứa nuôi cũng được năm ba nong tầm. Nhưng
thế rồi tự nhiên lão bỏ hết, đi ở riêng một nơi hẻo lánh, khuất vắng, giữa
núi, giữa rừng. Có người bảo là trời hành lão đấy. Có người bảo là vì lão
quá ghen vợ lão nên đâm cuồng ra như thế đấy. Lão ghen vì tính chị vợ hay
lẳng lơ và nghe đâu thằng Biện, đứa con trai lão, không phải là con lão.
Nhưng cái nguyên nhân được đa số xác nhận là lão điên vì tiếc của. Số là
khi lão còn ở nhà với vợ con, có một hôm lão đào gốc dâu, lưỡi xuổng bỗng
chạm phải vật gì cưng cứng nghe đánh xoảnh lên một tiếng, rồi đất bột trụt
vội xuống lấp cả. Lão ra sức bươi lên, thì thấy một cái vung bể, úp trên một
cái hũ. Trong hũ ấy có gì ? Ở thôn quê có những việc trong nhà chưa tỏ mà
ngoài ngõ đã hay. Người thì bảo là một con kỳ-lân vàng nhỏ bằng hòn dái
cân. Người thì đồn là ba thoi vàng nén. Người thì nhất định là có ba lá trầu
và một nhành cau nho nhỏ. Mỗi người nói một cách và ai cũng chủ quan
cho mình là đúng. Do đó vì chuyện cái hũ mà xảy ra lắm cuộc đấu khẩu
trong xóm, trong làng. Thế đã vừa đâu. Chuyện cái hũ của lão Biện còn gây
ra cả một cuộc ẩu đả giữa chị Trùm Bảy và bà Sáu Xã, hai người đàn bà
bẻm mép và lý sự nhất trong thôn. Thế rồi người ta đổ xô đến gạn hỏi lão.
Trước nhất là trong đám bà con. Và trong đám bà con, trước nhất là những
người xưa nay không bao giờ chịu nhìn nhận có máu loãng, máu đặc gì với
một thằng cha như lão Biện cả. Thứ đến là những người có thế lực và máu
mặt trong làng. Ông Cửu Bảy này, ông Chánh Tửu này, bà Ấm Bích này,
những con rồng ấy không còn ngại nhà tôm chật hẹp, kéo nhau đến thăm
mãi. Rồi thì trong vùng, trong xã, bao nhiêu kẻ trộm đều rủ nhau đến rình