NHỮNG QUẢ ĐẤM TRÊN MỘT CHUYẾN TÀU
CẢ đoàn tàu tốc hành Hànội-Sàigon vừa chui ra khỏi hầm, đang rùng
rùng chạy men theo triền núi. Qua khung cửa hạng tư, tôi nhìn ra bên ngoài.
Tốc độ trên sáu chục cây số một giờ và tiếng động cơ chuyển sình sịch, gấp
rút, đem lại cho tôi cái khoái cảm như mỗi phút mỗi được bay sâu vào cái
thế giới bao la, kết hợp bởi trời cao bể rộng, núi rừng trùng điệp...
Ngồi bên tôi là thầy học của tôi. Một ông thầy dạy tư, người Nghệ An,
tuổi trên bốn mươi, mảnh khảnh trong chiếc áo dài sa-tanh đen. Thầy tôi tựa
lưng vào thành toa, hai tay khoanh trước ngực, ngoảnh mặt nhìn về phía tôi,
mỉm cười :
- Vinh thấy phong cảnh có đẹp không ? Phải ngắm nhìn, quan sát cho
thật kỹ núi và bể. Chuyến này về thế nào cũng ra luận đấy.
Rồi hạ thấp giọng hơn :
- Giang sơn chúng ta cẩm tú như vậy đó. Mà tiếc thay...
Thầy tôi nói như nói cho mình nghe hơn là nói với tôi. Tuy ở cái tuổi
ham ăn, ham chơi, nhưng vì sống gần và học hỏi thầy tôi lâu ngày, nên tôi
cũng thông cảm phần nào ý nghĩa câu nói còn lở dở ấy.
Trong số các thầy học của tôi thuở ấy, tôi mến ông thầy dạy tư này hơn
cả, tuy lúc đầu tôi có ác cảm.
Tôi còn nhớ, mùa hè năm ấy, khi nghe cha tôi ngỏ ý muốn cho tôi theo
học ông, mẹ tôi đã bảo ngay :
- Có phải ông thầy Nghệ An ấy không ? Tôi nghe chừng như ông ta bị
tình nghi. Cho nó học với người ta thêm rắc rối.
Chị tôi ngồi bên cạnh, rúc rích cười :
- Ông thầy cá gỗ.