Hai tiếng cá gỗ gieo vào đầu óc tôi một mớ ý nghĩ không hay về ông
thầy tôi sắp học : một người bủn xỉn, biển lận, rít rắm, nghĩa là có đủ những
đặc tính chẳng hay ho gì, mà những người chung quanh tôi thuở ấy thường
gán cho đồng bào Nghệ Tĩnh. Lại thêm hai tiếng tình nghi nữa. Nó là cả
một danh từ không đẹp. Một danh từ làm cho quả tim non dại của tôi phải
hồi hộp, run sợ. Đã có biết bao nhiêu con người bị bắt bớ, còng tay dắt đi,
hay bị bỏ lên những chiếc xe của sở mật thám, trước cặp mắt thơ ngây của
tôi. Những con người mà vú già mỗi lúc thấy, thường rỉ vào tai tôi : « Họ bị
tình nghi ».
Nhưng rồi cha tôi mỉm cười :
- Hơi đâu mà ngại. Tôi nghe tiếng ông ta dạy học trò mau tiến lắm. Cứ
để cho nó học.
Ngày đầu tiên đến trường, tôi cảm thấy khó chịu đến muốn bỏ về. Tôi
thấy thầy tôi không oai và không sang trọng như các ông giáo ở trường
công. Trông ông có vẻ tầm thường, khắc khổ với bộ mặt hơi dài và rỗ hoa
mè, cặp mắt tuy sáng nhưng buồn quá, cái miệng rộng với hai nét nhăn rầu
rĩ ở hai bên khóe. Thân hình ông lại gầy gò, mảnh khảnh trong chiếc áo lụa
cụt rộng tay, thường là màu nâu hay màu đen, và cái quần trắng không bao
giờ là.
Lớp học mở ngay trong nhà. Mà nhà thầy tôi thì nghèo quá. Sự phản
ứng đầu tay của tôi trước thầy giáo, là một nụ cười ngạo mạn được che kín
phía sau cái kẹp sách bằng da hải-cẩu. Tôi càng khó chịu hơn vì thái độ của
thầy tôi. Trong mấy ngày đầu, riêng đối với tôi, ông thầy học này chừng
như vừa nghiêm khắc lại vừa có vẻ lãnh đạm. Cái thái độ này làm cho tôi
lắm lúc cảm thấy bơ vơ giữa đám học trò nghèo trên ba bốn chục đứa. Mãi
như thế cho đến một buổi chiều. Lúc bãi học, đám học sinh chạy ùa ra ngõ,
lấn lướt nhau, làm cho một người bạn học trò nhỏ nhất bị té và lăn cù xuống
mương. Tôi đi sau cùng, vội nhảy xuống kéo bạn lên, lượm hộ sách vở,