phủi hộ áo quần. Tôi đang xoắn xít hỏi han bạn, bỗng nghe có bàn tay ai vò
lấy đầu tôi. Ngẩng lên, cặp mắt tôi bắt gặp cặp mắt của thầy tôi. Một cặp
mắt nào khác hẳn thì phải hơn. Một cặp mắt hiền dịu, chan chứa cảm tình,
đang cười theo đôi môi đang cười. Thầy tôi nói với tôi bằng cái giọng
không gắt chặt như lúc thường :
- Khá lắm. Vinh cũng khá lắm. Biết thương bạn nghèo. Tốt lắm.
Thầy tôi lại đưa tôi vào nhà. Khi đến bên bàn đọc sách, thầy tôi vê
thuốc lào trong hộp, đặt vào ống điếu cày, đánh diêm rít một hơi dài thích
thú, rồi phà khói ra, bảo tôi :
- Từ rày cố gắng mà học nhé. Ăn ở với chúng bạn như thế là tốt lắm.
Tốt lắm.
Rồi từ ngày đó, thái độ thầy tôi thay đổi hẳn. Về phần tôi, tôi cũng phải
thú nhận là sau mấy ngày đầu, nhất là sau cái hôm thầy tôi nói với tôi trước
ngõ, tôi không còn dám coi thường thầy tôi nữa. Có một cái gì trong lối dạy,
lối nói, cử chỉ làm cho tôi phải mến và nể nang. Phải nói rằng tôi kính sợ
nữa, tôi, một đứa bé có tiếng là cứng đầu, cứng cổ, bướng bỉnh, ngỗ nghịch,
dám coi thường cả mọi thứ kỷ luật, hình phạt của trường công. Một học
sinh lúc nào trong cặp sách cũng có sẵn dao găm mặt nạ, dám đùa ngay
trong giờ học và chuyên môn đập bậy trong giờ chơi.
Điều tôi chú ý là thầy tôi chú trọng đến chúng tôi trong lúc chơi nhiều
hơn lúc học. Và những lối dạy răn về đức dục cũng khác hẳn những gì
người ta đã uốn nắn tôi ở trường công. Thầy tôi rất ghét những cử chỉ rụt rè,
khúm núm, những lối chào hỏi, thưa gởi quá nhỏ nhoi. Mỗi khi đến gần
thầy tôi mà vòng tay, cúi đầu, khép nép là thầy tôi quát :
- Hừ ! Hừ ! trò đừng giở cái thói giả hình ấy ra. Người ta đã tập cho trò
lâu quá rồi. Đứng thẳng người lên, nói cho rõ ràng nào. Khép nép đâu phải
là lễ độ.