Rồi bao giờ thầy học tôi cũng buông tiếp một câu như nói với ai khác
vậy :
- Muốn làm người hay làm nô lệ mãi !
Và khổ cho những học sinh nào tỏ ra vẻ yếu hèn với chúng bạn, hoặc
nhút nhát, sợ sệt, nhất là hay khóc. Phải trái gì không biết, nhưng đã chạy
đến thầy tôi, với cặp mắt ướt, là đã bị thầy tôi bĩu môi, mắng cho tàn tệ :
- Phải có khí phách chứ. Hèn thế. Con trai không bao giờ... không bao
giờ thèm khóc cả.
Từ nể sợ, tôi tiến đến chỗ ham học, chăm học. Chỉ mấy tháng qua, tôi
đã thấy tiến nhiều, ngay trong các môn mà tôi kém và chán nhất ở trường
công. Nhưng cũng như các bạn tôi, tôi rất thích những giờ sử học. Trong
giờ sử học, thầy tôi là một người nào khác hẳn. Không phải là một ông
giáo, nhất là một ông giáo làm cho chúng tôi chán nản, ngáp vặt với những
bài sử dài dòng, khô khan, đầy những ngày tháng, tên tuổi phải cốn vào óc.
Nhưng là một nhà truyền giáo, khéo quấy động con tim, kích thích tâm hồn,
thần trí của chúng tôi với những mẩu chuyện anh hùng, những dĩ vãng đẹp
đẽ của đất nước.
*
Cũng vì vậy mà câu nói trên kia tuy lở dở, tôi vẫn thông cảm được
những hậu ý của thầy tôi. Từ đáy lòng tôi ùn dâng lên một cái gì làm tôi
nghe đầy ắp cả ngực. Nhưng rồi chỉ chốc lát thôi, chỉ một chốc lát nó lại dịu
xuống ngay trong cái vui được ngắm cảnh đẹp ở bên ngoài.
Bỗng tôi giật mình quay vào. Ngay phía cuối toa, chỗ bán đồ ăn, có
tiếng la lớn :
- Hai thầy chơi cái chi lạ vậy ? Hai thầy đừng nên ỷ thị đồng tiền mà
đùa cợt quá đáng.