cự lại rồi bỏ ra về. Vì cần công việc, ông Giám-đốc đã phải làm lành với
anh. Nhưng chính câu chuyện sau này mới giúp cho Thân nhận thấy được,
ở Khảm, lòng quí trọng nhân phẩm con người đến bực nào. Một hôm,
Khảm cùng Thân ở nhà in ra về. Hai người vừa đi, vừa trò chuyện. Bỗng,
một chiếc xe quảng cáo của một gánh cải lương từ từ chạy qua. Trên xe có
hai người hóa trang thành một thằng hề và một con khỉ đột, múa nhảy, làm
đủ trò ngộ nghĩnh cho người qua đàng chú ý. Vừa thoáng nhìn, Khảm đã
vội cau mày rồi quay mặt đi. Khi xe đã qua, Khảm hỏi Thân :
- Thưa ông, ông thấy nó như thế nào ?
Thân chưa kịp đáp, Khảm đã nói tiếp :
- Em thì em thấy ngượng lây. Em nghĩ chỉ vì miếng ăn mà con người
phải tồi tàn tấm thân, phải hạ giá làm những vật mua cười, mua vui cho
thiên hạ như vậy thật là nhục nhã. Đời em làm việc gì khó nhọc cam khổ
đến đâu cũng được, nhưng làm những trò trơ trẽn như thế em chịu. Nhìn
thấy nó bất nhẫn quá.
Và mãi đến lúc này, khi nhớ tới lời giục bài của bác Tạo, sự liên tưởng
khiến Thân ngậm ngùi nghĩ tới Khảm, anh chàng thanh niên dong dỏng cao,
với mái tóc húi rất ngắn, vầng trán gồ, cặp mắt rất sáng, đôi má tóp, cái cổ
cao lòng nhòng, màu da lúc nào cũng xanh xao, ngày ngày ngồi khom lưng
trước các ô chữ, trong một góc phòng nhà in hừng lên cả cái màu đen của
dầu và mực. Anh chàng thanh niên ấy hiện giờ đang quay quắt trong cái
tình trạng thiếu thốn của gia đình. Hình ảnh Khảm cứ ám ảnh tâm trí anh,
giữa lúc lo lắng về câu truyện phải nộp bài ngày mai, Thân lại cứ lan man
đến cái cảnh nheo nhóc của gia đinh Khảm, vì anh biết Khảm có một vợ và
hai con...
*
- Alô, Alô ! xin mời gúy ôn, gúy pà, gúy cô, gúy pác, gúy cậu, gúy mợ
dào xem tò khỉ… tò khỉ hay nám à ! Xin mời gúy dị, góa pước dào gian