năm. Trước sự thúc đẩy chân tình của các văn hữu và lời đề nghị xuất bản
nồng hậu của nhà CảoThơm, ông đã bỏ mất khá nhiều thì giờ để sưu tập lại
hết sức khó khăn những sáng tác phẩm của mình từ trước. Nhưng sự bất
mãn đối với chính mình khiến ông liên tiếp gạt bỏ, và chỉ giữ lại có mười
chín truyện, trong đó gần cả mười năm sáng tác của giai đoạn đầu, chỉ còn
giữ mỗi ba truyện : Sống gửi, Thuốc cá, Khóc thật in ở cuối tác phẩm này.
Ba truyện ấy là di sản của Phan Du tiền chiến.
Đem ba truyện ấy so sánh với các truyện khác của những năm về sau
đây, đăng tải ở trong phần đầu tác phẩm, chúng ta nhận thấy ở trên căn bản,
nhà văn Phan Du vẫn giữ một nét thuần nhất trong một thái độ về đời. Ông
vẫn tiếp tục nụ cười chua xót trước những cảnh đời giả dối, vụ lợi, và vẫn
tuyên truyền tình thương, phả khuyến từ thiện một cách rộng rãi, tuy vẫn
không quên thỉnh thoảng bày tỏ đôi chút bất bình. Qua những cái nhìn
thương hại, qua những nụ cười xót xa, chúng ta thấy được một ý bảo tồn,
một chút an ủi, một niềm tin tưởng ở cái tính thiện cũng như lương tâm con
người. Người ta có thể nghĩ rằng với một tình thương dồi dào nhưng lại
trừu tượng, tác giả sẽ lầm lạc chăng, sẽ bất công chăng ? Bởi lẽ tội ác đích
thực phải được nghiêm trừng xứng đáng để cho con người lương thiện được
sự yên lành, và nỗi đau khổ của kẻ thiệt thòi không thể chỉ được đền bù
bằng chút xót xa của người đồng hội đồng thuyền, hay sự ái ngại của lớp dư
thừa, nhàn rỗi.
Nhưng nếu không quá bận lòng về những giọt lệ thương tâm mà tác giả
tuôn tràn xuống quãng đường nhân thế hiện đang đầy dẫy xác chết và
những bất công, chúng ta có thể tìm gặp ở nơi Phan Du những nguồn rung
cảm lớn lao của một tâm hồn hướng thiện đã bắt gặp được ở trong sự sinh
hoạt bình thường khá nhiều sự thực cao quí vốn là lẽ phải chân chính của
đời : ở trong tác phẩm của ông, bao giờ hai cái sức mạnh Thiện, Ác cũng
được đối đầu mãnh liệt, và sau nhiều phen tranh chấp gay go, cái Thiện vẫn
nắm được phần thắng lợi, cũng như nó phải giành lấy thắng lợi ngoài đời.