lợi mà gã phải tốn biết bao mồ hôi, nước mắt mới làm ra được. Nó đã dám
phá hại gần nửa đám sắn và hơn hai gánh lúa. Nửa đám sắn tuy cũng đáng
tiếc, nhưng gã còn tha thứ được. Chứ đến hai gánh lúa thì, ôi thôi ! phải biết
tay gã. Hai gánh lúa vị chi là chín mười ang lúa. Ở cái xứ núi non hiểm hóc
này, làm ra được một hạt lúa là thiên nan vạn khổ chứ có phải chơi đâu.
Phải mất một ang lúa để đổi thuốc men ngay khi đau ốm liệt chiếu, liệt
giường gã còn tiếc thay. Và cả đến cái ăn gã cũng dè dặt nữa là. Ăn một bữa
cơm không sáo khoai, ghế sắn, Ba Hóa đã thấy là cả một sự phí phạm ghê
gớm rồi. Chao ôi, của mồ hôi nước mắt, được một hột là quý một hột,
huống chi là chín mười ang lúa, không dưng đem cúng vào miệng heo. Gã
nghe tiếc đến đứt ruột.
Tôi lặng ngắm Ba Hóa một lúc rồi hỏi :
- Anh thường ngủ trong rừng một mình thế này không sợ à ? Đâm heo
lại là một chuyện nguy hiểm.
Ba Hóa lắc đầu mỉm cười :
- Sợ cái gì ? Ở cái xứ này, sợ thì không làm ăn gì được nữa. Muốn khỏi
đói, muốn sống thì đừng sợ. Đừng sợ cái gì hết. Heo cũng vậy mà cho đến
hổ báo cũng vậy.
Tôi biết Ba Hóa không nói ngoa chút nào. Càng đi sâu vào đời sống
của gã, tôi càng biết tình yêu ruộng đất đã nâng sự bạo dạn của gã lên đến
một mức độ có thể gọi là kỳ dị. Dường như không có một thứ uy lực nào
của rừng rú có thể làm núng lòng con người cần lao chất phác, đang ngồi
trước mặt tôi. Chướng khí, nước độc, ma thiêng, thú dữ, đối với gã đều
đáng coi thường cả.
Quấn một điếu thuốc lá rõ to, đốt hút, Ba Hóa nói tiếp :
- Muốn sống phải bảo vệ miếng ăn trước đã. Bảo vệ cho được hạt lúa,
củ khoai. Ở vùng sơn cước này mà lười biếng một chút là mất ăn, là đói
nhăn răng ra. Huống nữa ruộng của tôi làm rất tốt mà lại nằm cách biệt một