1. Năm năm sau
Ngân hàng Tellson gần cổng thành Temple Bar là một nơi cổ lỗ,
ngay từ năm 1780 đã thế. Chỗ này rất nhỏ, rất tăm tối, rất xấu xí, rất
chật chội bất tiện. Đã thế nó lại càng cổ lỗ hơn khi các cổ đông điều
hành ngân hàng vẫn có tâm lý hãnh diện về cái sự tăm tối, xấu xí, chật
chội bất tiện này. Thậm chí họ còn tự hào về tất cả những đặc điểm ấy
và nung nấu một niềm xác tín đặc biệt rằng nếu nơi này không phản
cảm như thế thì sẽ giảm bớt sự trọng vọng. Đó không hề là niềm tin
tiêu cực mà là một vũ khí tích cực cho họ phô truơng với những nơi
kinh doanh tiện nghi hơn, họ bảo Tellson không cần chỗ rộng rãi,
Tellson không cần sáng sủa, Tellson không cần tô điểm trang hoàng.
Noakes và Hội đoàn có lẽ cần, hoặc hãng Snooks Brothers có lẽ cần,
nhưng Tellson thì không, tạ ơn Chúa!
Quý tử của bất kỳ cổ đông nào cũng sẽ bị truất quyền thừa kế nếu
chúng dám ngỏ ý tu sửa lại Tellson. Về phương diện này thì hãng
Tellson khá tương đồng với Anh quốc là nước rất thường tước quyền
tự do của con dân nào dám đề nghị cải tổ những luật tục từ lâu nay chỉ
làm tăng lòng kính sợ nhưng lại hết sức đáng chê trách.
Cho nên mới có chuyện Tellson trở thành tột đỉnh vinh quang của
sự bất tiện. Sau khi xô bật cánh cửa lì lợm ngu si lúc nào cũng rên rỉ
cọt kẹt, ta vấp ngay phải hai bậc thang đi xuống, và hoàn hồn nhận ra
mình đang ở trong một nơi chật chội thảm hại, có hai quầy nhỏ nơi
những ông già cốc đế tay run lẩy bẩy cầm tờ ngân phiếu của ta và săm
soi chữ ký bên những ô cửa sổ tăm tối, phía ngoài lúc nào cũng vấy
đầy bùn văng từ phố Fleet, và càng tăm tối thêm vì những song sắt
trên khung cửa và cái bóng u ám của cổng thành Temple Bar. Nếu
công việc buộc ta phải gặp “Ông Chủ”, ta sẽ được đưa vào một thứ
giống xà lim cấm cố ở phía sau, nơi ta có thể trầm tư về cuộc đời uổng