mà Thoa vẫn bảo sao giống hệt mẹ mình vậy, giống hệt cô gái Huế chính
gốc.
- Nhà cô ở mô?
- Dạ, nhà em ở Kim Long, khu Phú Mộng đó thầy!
- Nhà tôi cũng ở khu nớ! Rứa mà răng lâu ni tôi không biết cô hè?
- Dạ, nhà em mới chuyển tới đó được vài tháng thôi thầy ạ! Trước đây ba
mạ em đi dạy nên được cấp nhà ở dưới chung cư Đống Đa đó thầy, chừ
nghỉ hưu rồi nên mới về trên nớ.
- Rứa à, rứa chừ mình đi về cùng đường hè! Chẳng kịp nói thêm câu nào
nữa, hai chiếc xe lao nhanh trong màn mưa. Nhà Bình nằm ở đầu con hẻm,
có kiến trúc cổ với ba gian hai chái, khu vườn thì rộng cả ba, bốn hecta với
đủ loại cây ăn quả. Thì ra đây là ngôi nhà mà ngày nào đi dạy ngang qua,
Thoa cũng ao ước, thèm muốn. Chả như nhà Thoa, lúc ở chung cư, đâu vỏn
vẹn có bảy, tám chục mét gì đó. Giờ rộng hơn cũng chỉ trăm hai chục mét
vuông.
Sau buổi gặp gỡ tình cờ đó, lại thêm là hàng xóm xa xa, nên cả hai càng
có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhau. Những buổi đi làm chung đường về
chung lối là những cuộc trò chuyện huyên thuyên.
Đến bây giờ Thoa cũng không giải thích nổi vì sao cả hai lại có thể có
nhiều chuyện để nói với nhau đến thế. Bình thì khô khan, tự nhiên và thực
tế, còn Thoa lại là kiểu mẫu của típ người lãng mạn, mơ mộng, ăn nói trau
chuốt, nhẹ nhàng. Thế nhưng, thay vì khó chịu, cả hai lại xem đối phương
như sự bù đắp những thiếu hụt của bản thân.
Thoa thiếu đi cái nhìn thực tế trước cuộc sống muôn màu, còn Bình thèm
lắm chút dịu dàng, mơ mộng của cô gái Huế chính gốc như Thoa. Vậy là họ
yêu nhau, yêu nhau say đắm bất chấp bao lời bàn ra tán vào của bạn bè từ
hai phía.
Và rồi họ cưới nhau.
Ngày cưới, Thoa là cô dâu xinh đẹp nhất trong mắt Bình, nhẹ nhàng nép
vào vai Bình như nép vào chốn bình yên của cuộc sống.