- Quả vậy, - La Ramée nói, - tại sao anh lại lấy cái lược của Đức ông?
Grimaud rút lược ở túi ra, đưa mấy ngón tay lên và vừa nhìn vừa trỏ cái
răng lược to, hắn chỉ thốt ra có mỗi một tiếng:
- Nhọn.
- Đúng thế, - La Ramée nói.
- Cái tên súc sinh ấy bảo gì? - Quận công hỏi.
- Nó bảo rằng mọi đồ dùng nhọn đều cấm Đức ông dùng.
- Thế đấy? La Ramée này. Ông điên đấy à? Chính ông đưa cho tôi cái lược
ấy cơ mà.
- Thưa Đức ông, tôi đã sai lầm, đưa cái lược cho ngài, tôi đã vi phạm chính
mệnh lệnh của tôi.
Hoàng thân giận dữ nhìn Grimaud, hắn đã đưa chiếc lược cho La Ramée.
- Ta thấy trước rằng cái thằng vô lại này sẽ làm bực mình ghê gớm, - hoàng
thân lẩm bẩm nói.
Thực vậy, trong ngục tù không có tình cảm trung gian. Vì vậy tất cả mọi
thứ, người và vật, đều hoặc là bạn anh, hoặc là kẻ thù của anh, người ta yêu
và ghét đôi khi do lý trí, nhưng thường thường do bản năng.
Do cái duyên do hết sức đơn giản là vừa thoạt nhìn, Grimaud đã vừa lòng
De Chavigny và La Ramée, những đức tính của hắn trước mắt viên giám
ngục và viên quan cảnh sát là ưu điểm thì trước mắt người tù là khuyết
điểm, cho nên trước tiên hắn ắt không vừa lòng ông de Beaufort.
Tuy nhiên Grimaud không muốn thẳng thừng công kích người tù; hắn cần
không phải một sự hiềm ghét tạm thời mà một sự hằn thù thật dai dẳng.
Cho nên hắn rút lui để nhường chỗ cho bốn tên vệ sĩ vừa mới ăn sáng xong
tiếp tục công việc ở bên hoàng thân.
Về phía hoàng thân còn phải làm một trò bông đùa mới mà ông ta rất trông
cậy vào nó: ông đã bảo mang đến những con tôm cho bữa ăn sáng hôm sau
và mong dùng thì giờ ban ngày làm một cái giá treo cổ nhỏ xíu để treo cái
con đẹp nhất ngay giữa phòng. Cái màu đỏ của tôm chín sẽ khiến người ta
không còn phải nghi ngờ gì sự ám chỉ, và như vậy ông sẽ thích chí được
treo cổ hồng y giáo chủ bằng tượng trưng trong khi chờ đợi lão ta bị treo cổ
thật sự, mà chẳng ai có thể trách ông đã không treo vật khác ngoài con tôm.