biết đâu “đáy bát sinh rồng, trong miệng phóng ra hào quang”20, đời
vẫn có sự kỳ lạ như thế; khi chưa thấy đáy bát sinh rồng, trong miệng
phóng ra hào quang, chẳng nói làm gì; đến lúc rồng đã sinh ra ở đáy
bát, hào quang đã phun ra từ trong miệng, đó là do pháp lực cao
cường, mới biến hóa được như vậy, thế mà còn cho là quái đản, rồi
ngạc nhiên kinh dị, có phải vì không biết sự huyền diệu của đạo viên
thông mà ra không. Tôn Đăng21 có nói: “Lửa sinh ra tức có sáng,
nhưng chẳng dùng sáng”. Nếu quả dùng sáng, thì cái “kỳ” của hòa
thượng, tức cái sáng của hòa thượng vậy. Hãy xem lúc hòa thượng đi
thuyền vượt biển, sóng lặng gió yên, có chim thần dẫn đường, cá dữ
xa lánh, ấy cũng do hòa thượng dùng sáng vậy; nhưng người thường
hốt hoảng, hòa thượng lại tự nhiên, thì hòa thượng quả đã dùng sáng
chăng? Nay thử đem tập Hải ngoại kỷ sự ra bàn, tập sách ấy không có
vẻ khô khan, cũng không có vẻ yêm bác, biểu dương trung hiếu tiết
nghĩa, đều những lời nói có bổ ích cho thế đạo nhân tâm, chính đại
quang minh, chẳng khác gì cái học nguồn gốc của đạo nho ta vậy. Bởi
thế cảm hóa được người dị quốc, khiến quy thuận với thiên triều; lấy
kỷ cương Trung Hoa, biến đổi tập tục xứ lạ; đem vàng nước người, về
xây dựng cảnh chùa bất hủ; khoan thai đường hoàng, giữ lòng ngay
thẳng; đường đường chính chính, chẳng dối người cũng chẳng tùy
người; há chẳng phải dùng “kỳ” mà chẳng lỗi với “chánh”, viên thông
mà chẳng quái đản hay sao. Ta vì thế phục sự “dụng kỳ” của hòa
thượng thực thần minh khôn lường.