Về thời kỳ Đại Sán trở lại tỉnh Việt, tại phương diện Trung Quốc,
không có một sử văn nào có thể chứng thực, nhưng bọn thương khách
Quảng Đông và Quảng Nam qua buôn bán ở Trường Kỳ, Nhật Bản,
đều có nói đến rất rõ ràng. “Báo cáo” của bọn thương khách tàu
Quảng Đông chuyến 67, khởi hành từ Quảng Đông ngày 16 tháng Sáu
năm Khang Hy 35 (Bính Tý 1696) và đến Trường Kỳ ngày 13 tháng
Bảy năm ấy, nói rằng:
“Nói về Thạch Liêm thiền sư, cư trú Trường Thọ am Quảng
Đông, vì nổi tiếng đạo đức, nên mùa xuân năm ngoái Quảng Nam
quốc vương rước đến Quảng Nam. Nghe đồn sau khi Thạch Liêm đến
nước ấy rất được quốc vương tôn kính, hơn nữa, quan dân trong nước
đều nhất trí quy y; tại Quảng Đông cũng thường được nghe tin tức.
Nhưng Thạch Liêm từ mùa xuân năm ngoái ở luôn lại Quảng Nam,
cho nên tín đồ Phật giáo tỉnh Quảng Đông, những người đã quy y với
thiền sư ấy, từ mùa xuân năm nay hằng phái thuyền đến Quảng Nam
tiếp đón; chắc chẳng bao lâu nữa Thạch Liêm cũng sắp sửa trở về”.
“Báo cáo” của bọn thương khách tàu Quảng Nam (thuyền trưởng
Tăng Doãn Quan) chuyến 48 ngày 22 tháng Sáu cùng năm ấy (1696)
từ Hội An chạy qua Trường Kỳ, cũng nói gần giống “báo cáo” trên,
chỉ sau cuối bài có nói phụ thêm rằng:
“Thạch Liêm thuật trên đây, nhơn vì Quảng Đông hai ba lần cho
thuyền qua đón, nên đã quyết định cuối tháng Sáu năm nay sẽ trở về
nước”.
Lại “báo cáo” của bọn thương khách thuyền Quảng Nam chuyến
50 (thuyền trưởng Thái Cố Quan) ngày 26 tháng Sáu cùng năm ấy, do
Hội An chạy qua Nhật Bản, nói rằng:
“Về việc Thạch Liêm thiền sư từ Quảng Đông qua Nam, bọn
khách thuyền đến trước đã báo cáo rõ ràng. Sư Thạch Liêm vì có
thuyền Quảng Đông đến đón, nguyên định đến cuối tháng Sáu sẽ trở
buồm, nhưng vì ngày 24 có gió tốt, nên trước thuyền chúng tôi hai
ngày, đã khai thuyền lìa bến Quảng Nam”.