chùa Trường Thọ được đi ra hải ngoại, cũng không cho một thùng hóa
vật nào của chùa Trường Thọ ra khỏi cửa biển. Ngõ hầu chấn chỉnh kỷ
cương hiến pháp, khỏi di hại cho địa phương”, thì có thể suy tưởng
sau khi Đại Sán trở về nước, tăng nhơn chùa Trường Thọ vẫn thường
đi lại giữa Quảng Châu và Quảng Nam, và việc buôn bán riêng của
Đại Sán vẫn lén lút kế tục.
Sau khi Đại Sán đi rồi, ngày mùng 2 tháng Chín năm Khang Hy
34 (tức 3-10-1701) có một chiếc thuyền của cống sứ Tiêm La chạy qua
Quảng Đông, giữa đường bị phong nạn trôi vào Quảng Nam. Minh
vương được tin lập tức hạ lệnh tu bổ thuyền ấy và cấp cho gạo lương
củi nước; qua khoảng tháng Năm năm sau (1702) lúc Tiêm thuyền
khởi trình đi Quảng Đông, Minh vương khiến bọn Hoàng Thần, Hưng
Triệt đem quốc thư và cống phẩm (kỳ nam 5 cân 4 lượng, vàng sống 1
cân 13 lượng 5 tiền, ngà voi một đôi nặng 350 cân, mây sông 50 sợi),
theo thuyền qua tỉnh Việt, ý muốn do Lưỡng Quảng Tổng đốc đến
Thanh đình chánh thức cầu phong255. Trong biểu văn có nói rằng:
“Thầy tôi, Quảng Đông Trường Thọ am tăng nhơn Thạch Liêm,
những lúc giảng tụng kinh điển rảnh rang, thường thuật chuyện hoàng
thượng là bậc thánh thần văn võ, nhơn đức như trời. Bọn Quảng Đông
giám sinh Hoàng Thần, Tăng nhơn Hưng Triệt cũng đều xưng tụng
thiên triều thanh giáo, truyền khắp phương xa v.v256.
Xem đó khá thấy việc Minh vương cầu phong vốn do kiến nghị
của Đại Sán năm Khang Hy Ất Hợi (1695) làm động cơ thúc đẩy, và
Minh vương đã thực hành lời hứa với Đại Sán. Lại nữa Việt sứ tháp
tòng Tiêm La công thuyền, việc ấy chứng tỏ Nguyễn chúa Minh
vương khéo nắm cơ hội để thực hành tư tưởng “phụng thờ nước lớn”
đối với Thanh đình vậy.
Còn về lai lịch của bọn Hoàng Thần, Hưng Triệt, Đại Nam thực
lục tiền biên (quyển 7) chú thích rằng:
“Thần, Triệt người Quảng Đông, nhà Thanh, theo Thạch Liêm
hòa thượng đến yết kiến, nhơn khiến đi”.