Đoạn chú thích ấy, khiến chúng ta nhớ lại lúc Đại Sán lâm hành
có lưu lại Thuận Hóa hai người đồ đệ, tức Tri khách Thiên Vũ và Hậu
đường Khánh Ngu. Tri khách là một tăng đồ coi việc tiếp đãi tân
khách, còn Hậu đường cũng chỉ một chức vị của nhà chùa, tuy danh
xưng của bọn chúng, Hải ngoại kỷ sự và Thực lục tiền biên chép khác
nhau, nhưng chúng ta tin rằng Quảng Đông Giám sinh Hoàng Thần
tức Tri khách Thiên Vũ, và Tăng Lữ Hưng Triệt cũng chỉ là pháp hiệu
của Hậu đường Khánh Ngu.
Chúng ta không biết được Đại Sán sau khi trở về Quảng Đông có
vận động trù bị cho việc Quốc chúa Quảng Nam cầu phong hay
không; một sự thực chắc chắn là việc cầu phong dạo ấy không được
nhà Thanh chấp nhận. Đại Nam thực lục tiền biên (quyển 7) chép
rằng:
“Thanh đế hỏi các quan đình thần, đều bảo rằng nước Quảng
Nam hùng cứ nhất phương, Chiêm Thành, Chơn Lạp đều bị gồm thâu,
sau này chắc sẽ trở nên nước lớn? Nhưng An Nam còn có họ Lê,
không nên phong vương một họ khác. Việc ấy bị bỏ qua”.
Xét lại từ năm Khang Hy thứ hai (1663) Lê Huyền Tông lần đầu
khiến sứ cầu phong trở về sau, nhà Thanh chỉ thừa nhận Lê triều ở Bắc
kỳ (Đông Kinh) làm phiên quốc, thì cự tuyệt việc cầu phong của chúa
Nguyễn, nhà Thanh cũng có lý do chính đáng. Nay chỉ xét việc thúc
đẩy Nguyễn vương cầu phong, trên sự thực, nhơn vật đứng sau màn
chính là Đại Sán, và cũng trong năm ấy (tức Khang Hy 41) Đại Sán bị
Quảng Đông Án sát sứ Hứa Tự Hưng bắt giam và phóng trục, thì
chúng ta có thể suy tưởng có những thêu dệt trong việc này, có thể
đoán rằng việc cầu phong của Nguyễn vương, cùng với việc “hỏng
chân” của Đại Sán, thế nào cũng có nhân quả tương quan, nhưng việc
nào là quả, việc nào là nhân, cứ theo sử liệu có thể tin cậy, hiện nay
chúng ta chưa có thể phân tích được. Tuy thế thời ấy giữa Quảng Nam
với các nhà đương cục Quảng Đông không phải tuyệt nhiên không có
vãng lai giao thiệp. Ví dụ, Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục chép rằng:
“Thuận Hóa với Tổng đốc Quảng Đông, thường thông tín qua lại”, và