sách ấy có thâu chép tờ tư văn của Minh vương gởi cho Quảng Đông
Tuần vũ và bài văn tế gởi điếu Lưỡng Quảng Tổng đốc Dương Lâm.
Do đó biết trên sự thực, Quảng Đông Đốc viện muộn lắm cũng vào
cuối thời Minh vương, vẫn thừa nhận Nguyễn vương ở Quảng Nam.
Đại Sán nhất sinh ly kỳ biên ảo, và năm về già lại bị nạn lao tù;
tuy hành vi thái độ của ông, khá khen mà cũng khá chê nhiều, nhưng
chúng ta cũng nhận thấy ông ta có một nhân cách phóng lãng không
chịu bó buộc. Thực như bài Hải ngoại kỷ sự đề yếu, trong bút ký Tiểu
thuyết đại quan bản đã viết: “Tuy có những tiếng tăm bất ngờ, nhưng
ông vẫn là một người thác cớ để lánh đời, muốn mượn văn chương để
tỏ chí mình, điều đó thực rõ như ban ngày vậy”. Hơn nữa, đáng cho
chúng ta chú trọng là sự thành tựu trên việc quốc dân ngoại giao. Còn
các việc khác như trong chuyến du hành Quảng Nam, Đại Sán đã làm
cho vua tôi Nguyễn phủ cảm mến và long trọng cúng dưỡng, cho đến
thái độ thành thực của Đại Sán đối với họ, tuy những ghi chép trong
Hải ngoại kỷ sự chẳng khỏi có khoa trương tô vẽ thêm ít nhiều, nhưng
cũng có thể xem như một phụ chương có thú vị trên lịch sử quan hệ
Trung Việt, xứng đáng cho Trung Việt nho sĩ suy nghĩ vậy. Đại Nam
thực lục tiền biên, cuối bài Thạch Liêm truyện I chép rằng: “Khoảng
năm Minh Mạng (1821-1840) Trương Hảo Hiệp phụng phái qua Tàu,
đến chơi chùa Trường Thọ, trú trì chùa ấy còn nhắc nhớ sự tích Thạch
lão”, đó cũng là một chứng cớ rõ ràng.