một phép thường xướng đường biên giữa hai phía là "Hán giới - Sở hà",
riêng ông xem đó như ranh mép ngày - đêm. Ta là ngày, nó là đêm. Ta sáng
nó tối. Ta dương nó âm. Ta hiền nó dữ. Ta khôn nó ngu. Ta chính nghĩa nó
ngụy thù...
Ông Tư chơi cờ cả đời và chiến thắng cả đời, nên chẳng có lý do gì
trận đấu từ giã xới cờ ông không thắng nốt. Lúc ấy ông cũng đã gần đất xa
trời. Ông đem bàn cờ hằn dấu những cái nện ăn quân chan chát mấy mươi
năm đặt trên tủ thờ, như báo cáo chiến công với tiên tổ.
Tình thực, đó cũng là ý nghĩa duy nhất của đời ông, bởi bao năm ông
chỉ biết ăn uống, chơi cờ và... "yêu vợ". "Vợ làm vợ ăn, vợ làm chồng ăn,
con bú sữa mẹ" là phương châm sống kiên định của ông Tư. Bầy con nheo
nhóc lớn lên rồi trưởng thành ở tứ xứ vẫn luôn răm rắp, khúm núm trước
mặt ơn sinh thành.
Nhưng ai biết dâu bể khôn lường, ông Tư có một lũ cháu A Khùng
hay cãi chày cãi cối. Giỗ tết cả nhà sum vầy, nếu ông mở lời kể lể ngợi ca
chiến công một đời đánh cờ, y rằng bọn A Khùng ấy sổ toẹt hết. Mà tuồng
như chúng lại có lý mới chết chứ!
- Ông dịch chữ Nho sai rồi ông ơi - Thằng cháu nội đích tôn là hay
gây hấn với ông nhất, vì cậy sở học hồ hải vinh quy bái tổ - Chữ Tượng
trong Tượng kỳ đâu phải là con voi! Nó biểu trưng cho những yếu tố trừu
tượng của trận đánh.
- Khéo vẽ, sao không nói nốt chữ Nhân chớ phải là Người đi.
- So với cờ quốc tế, cờ của ông rất thiếu công bằng. Con chốt mãi mãi
là con chốt.
- Chứng chóa mắt ngoài bờ tre đây. Vậy cái thằng Quốc tế liên hiệp nó
công bằng giữa nhược tiểu và cường thịnh, giữa nhiều tiền và ít tiền, giữa
nước lớn và nước bé như thế nào?