"Khi nào có trống mẹ hẵng dạy đời bà già này nhé, Lạc tướng
M’linh". Nghe như thế Trưng Trắc cảm thấy như bị tạt ngay một gáo nước
lạnh vào mặt - "Các ngươi còn trẻ dại, biết đến đâu mà đòi trứng chọi đá".
"Lão Lạc tướng à". - Trưng Trắc cố giữ bình tĩnh - "Đàn hươu kết
sừng thành rừng chông thì sợ gì sói dữ. Bà chưa tin tưởng, chúng tôi vẫn cứ
đợi bà. Chỉ mong bà đừng tiếp tay cho quân thù, hại người Âu Lạc".
"Ta chỉ muốn yên ổn. Ta mua yên ổn cho con dân của mình, cớ chi lại
gọi là tiếp tay cho quân thù".
"Tại sao chúng ta phải mua sự yên ổn trong chính ngôi nhà của
mình?" - Trưng Trắc vẫn mềm dẻo - "Bà hãy lập đàn cúng hỏi Mẹ Tổ, xem
người trả lời ra sao. Bà nghĩ rằng tên Hán quan vô lại Tô Định giết hết
chúng tôi rồi sẽ để yên cho bà và dòng tộc bà chăng?"
Nghe đến tên Thái thú tàn bạo Tô Định, Lạc tướng Khúc Dương rùng
mình. Nỗi khiếp nhược trùm phủ khuôn mặt già cỗi của ả. Trưng Trắc bất
lực và không thể hiểu nổi. Trăm trứng của Mẹ Tổ đã có vài quả ung, quả
thối chăng? Trưng Nhị uất quá, cô chỉ mặt lão Lạc tướng cảnh cáo trước
khi ra về: "Bà sợ chết thì hãy ở yên đấy, trốn kỹ cuối hàng quân kháng Hán
của chúng tôi và đừng dại dột bước qua đội ngũ bọn ăn cướp. Người Khúc
Dương và dòng tộc bà sẽ xử bà mà không đợi đến chúng tôi đâu".
Rất may, không khí nặng nề ở Khúc Dương mau chóng bị xua tan khi
Trưng Trắc gặp Lữ Lạc tướng, hậu duệ của Lữ Gia, thừa tướng Nam Việt.
Tưởng cũng cần nhắc lại, năm 111 trước Công nguyên, Phiên Ngung thất
thủ, vua Kiến Đức và Lữ Gia xuống thuyền đến Thuận Đức phía tây Phiên
Ngung tìm cách tái tập hợp quí tộc Nam Việt, xây thành đắp lũy định tiếp
tục chống cự. Chẳng bao lâu sau, chiến khu bị bọn Việt gian dẫn quân Hán
đến tấn công, Kiến Đức và Lữ Gia đều bị bắt sống. Gia tộc họ Lữ chạy
thoát cũng nhiều, sau đó họ đến Phong Châu hòa mình vào cuộc sống nơi
đất mới với người bản xứ. Gần 150 năm trôi qua, xã hội mẫu quyền dung