hợp chế độ phụ hệ, tạo nên đặc thù mẫu hệ trung gian, quyền thừa kế thuộc
nữ giới nhưng Lạc tướng luôn là nam giới.
Lữ Lạc tướng học rộng hiểu nhiều, ông có một đội thuyền buôn nhỏ
chuyên chở hàng hóa ven bờ xung quanh vịnh Bắc Bộ, đôi khi cũng xuống
cả Cửu Chân.
"Thưa Lạc tướng Trưng Trắc," - Lữ Lạc tướng nói - "Tôi nhiệt thành
ủng hộ công cuộc chống Hán của bà. Tiếc rằng Phong Châu người thưa
thớt, chúng tôi huy động hết nhân lực cũng chỉ được ba ngàn quân, hơn
trăm chiếc chiến thuyền, to nhỏ đủ loại".
"Góp gió thành bão, Lữ Lạc tướng đừng khách sáo," - Trưng Trắc vui
ra mặt.
"Nhưng bà đừng lo, tôi có quan hệ bán buôn khá tốt với An Biên và
Cửu Chân". - Lữ Lạc tướng nói tiếp - "Quí ông Đô Dương ở Cửu Chân có
thể tập trung hàng ngàn chiến binh nhưng Giao long thuyền hơi ít".
"Tôi sẽ đến tận nơi gặp hai người ấy. Ngoài ra ông còn có cao kiến gì
không?" - Trưng Trắc hỏi.
"Bà phải đúc trống lớn, tuyên xưng là Lạc vương mới có thể tập hợp
nhân dân Âu Lạc bên mình. Đó là thuận theo truyền thống. Mặt khác bà
nên cân nhắc trao quyền dần dần cho nam giới, bắt đầu từ quan Lang đến
tướng lĩnh trực tiếp cầm binh. Sứ giả của tôi rất mừng trước ý định của bà.
Tiến hành cải tổ xã hội Âu Lạc là việc nên làm". Lữ Lạc tướng chứng tỏ
ông đã suy nghĩ rất nhiều về vận mệnh Âu Lạc.
Hai chuyến đi tiếp theo của Trưng Trắc đến An Biên và Cửu Chân
cũng gặt hái được những kết quả rất tốt đẹp. Sự đoàn kết đơm hoa đậu quả
hơn cả dự định. Đô Dương đồng ý nhận tước Hầu, Lê Chân nguyện làm
tướng, cả hai thề trung thành tuyệt đối với Trưng vương, dù bà chưa đúc
trống mẹ.