hợp chủng bắc - nam trong quá trình hình thành dân tộc Việt Nam. Phản đề
của phân ly là tái hợp. Phải chăng truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ
chia con là ẩn ý sâu sắc, là nhắn nhủ đoàn kết, là lời răn dạy tương thân
tương ái của tiền nhân Việt cổ. Nếu xét trên nhận thức tuyến tính, câu
chuyện Âu - Lạc là bề phải của huyền thoại tháp Babel nổi tiếng trong Kinh
thánh Thiên chúa giáo. Hay nói cách khác ngạo mạn và chia rẽ là một.
"Tại sao em yêu thích lịch sử?" - Anh hỏi.
"Hình như nó giải đáp được rằng chúng ta từ đâu tới. Còn ý nghĩa của
tồn tại nữa chứ. Ở góc độ nào đấy lịch sử sinh động hơn triết học." - Cô trả
lời như một cái máy. Có lẽ anh không nhớ nhiều những kỷ niệm cô từng kể.
Câu hỏi cứ lặp đi lặp lại, tuồng như anh chỉ nói cho riêng mình, để tạo nên
một lý do suy tư. Cô cũng như anh, say sưa đứng dưới chân Tháp Chàm.
Với Tháp Chàm, cô luôn là du khách khát khao chiêm bái giá trị nghệ thuật
xưa cũ.
Cô rất tiếc năm nọ, khi thăm quan bảo tàng lăng mộ Nam Việt Văn
vương ở Quảng Châu, Trung Quốc, lúc đó cô chưa quen anh. Xúc động lan
tỏa đến từng chân tơ kẽ tóc. Cô bỗng tin vào linh hồn và những lời truyền
kể thông qua tiềm thức của cả một dân tộc, một cộng đồng. Cô tin vào thứ
lịch sử nằm ngoài những thẻ tre, các tờ lụa của sử quan. Và hơn hết, cô thấy
có gì đó rất tò mò đối với Văn vương Triệu Hồ.
-----
Cô một mình đến Quảng Châu với mục đích thăm quan lăng mộ Triệu
Văn Vương. Từ sân bay Bạch Vân cô về thẳng nhà nghỉ trường đại học Kí
Nam. Sáng hôm sau, lên xuống mấy lượt xe buýt và tàu điện ngầm, cô đến
cổng công viên Việt Tú. Đi bộ một thôi dọc phố Giải Phóng Bắc, băng qua
đường hầm, cô dừng trước bức tường mặt tiền cao ngất của viện bảo tàng.
Thật nguyên vẹn. Người Việt Đông chăm sóc di tích lịch sử rất khoa học.