Phải chăng lòng người oán thán vì Âu Lạc chưa có ai đứng lên phất cờ
đuổi giặc, quét sạch bất công? Phải chăng ý chí các anh thư liệt nữ đã bị
lung lạc? Sự thật là Lạc vương Trưng Trắc đang ốm nặng. Lao tâm, lao lực
suốt tháng ngày, bà đã đổ bệnh trong khi mọi người đang chờ bà phát lệnh
cho ba quân thẳng tiến đến Long Uyên. A Thi thay vợ gánh vác rất nhiều
việc, nhưng lòng người Âu Lạc vẫn chưa thông. Có Lạc tướng cổ hủ đến
nỗi còn khẳng định rằng chỉ hội quân chống giặc xâm lược Hán khi Trưng
Trắc dẫn đầu!
Cuối cùng Trưng Trắc cũng phải cố sức gượng dậy, cùng Trưng Nhị
tuyên cáo sẽ lập đàn cầu mưa, hỏi Mẹ Trời căn cớ. Bà ước sẵn, bất kể mưa
hay không, đại quân của bà cũng tiến về Long Uyên hỏi tội Tô Định. Bà
cần lý do tập hợp binh lực khắp nơi, mà không gây kinh động, làm giật
mình con cọp dữ Tô Định đang hòng nghiến ngấu, người Âu Lạc.
Đàn cầu mưa cao chín trượng, dựng ở cù lao nhìn ra cửa Hát. Bốn đội
trai tân, mỗi đội mười tám người thay nhau khấu đầu quì lạy liên tục mỗi
ngày. Ba mươi sáu ngọn đuốc cắm trên đàn, cháy suốt nhờ mỡ rái cá. Bảy
mươi hai con thuyền Giao long của các dũng binh nối đuôi nhau kết thành
một vòng tròn giữa sông. Mỗi canh giờ, sau điểm khắc của trống đồng, lính
tráng bịt miệng, giả làm tiếng cóc kêu chín mươi chín tiếng. Bình minh và
hoàng hôn hằng ngày, Trưng Trắc bước tám mươi mốt bậc thang lên đàn,
hướng mắt về mặt trời van nài: "Mẹ Tổ ơi, chúng con cần mưa!".
Mãi đến ngày thứ ba, xế chiều, hình như các lời cầu khấn đã đánh
động lòng trời, đột nhiên gió đông mát rượi thổi tới. Cóc trong mọi ngóc
ngách, bờ bụi Âu Lạc bắt đầu nghiến răng kèn kẹt. Đến tối muộn thì mây
đen không biết từ đâu ùn ùn kéo về. Sấm nổ liên hồi. Chớp giật nhoáng
nhoàng, sét đánh vỡ và cháy bùng một chiếc Lâu thuyền của giặc Hán tại
bến Long Uyên. Đang hò hét quân lính dập lửa, Tô Định bỗng nghe lồng
lộng trong gió, trong mưa, tiếng trống mẹ Âu Lạc gấp ruổi, dồn dập phát
lệnh xung trận. Cuối trời tây, ánh đuốc đỏ thẫm một vùng.