"Ta không sợ. Ta không lo sợ". - Trưng Trắc đi một vòng quanh đống
lửa lớn bên mép nước. - "Nếu ta không phát lệnh xung phong thì hàng vạn
quân này cũng sẽ tan rã. Trò nhấm nhứ của họ Mã thật lợi hại".
Khi nghe An Biên đã sẵn sàng, Giao long thuyền của Đô Dương và Lê
Chân đang tiến về Long Uyên, Trưng vương vô cùng mừng rỡ:
"Tướng sĩ ơi, ta phải đánh thôi. Đánh để con cháu đời đời lấy đó làm
gương, lấy dũng khí và lòng kiêu hãnh này làm bửu bối giữ nước. Mai này
có thể dân ta sẽ nai lưng làm nô lệ. Mai này có thể chúng sẽ phá nát giang
sơn của tiên tổ, sẽ đốt ra tro hàng ngàn thôn làng xóm bản. Nhưng ta biết
khí chất anh hùng sẽ chảy trong huyết quản con dân Âu Lạc muôn đời. Sẽ
có lúc nó sống lại mãnh liệt, biến thành mưa gió, sấm chớp, bão dông quật
xuống đầu lũ cường bạo, để giành lại phẩm giá của con người tự do. Chiến
thắng cuối cùng ắt phải thuộc về con dân Âu Lạc."
"Ngài sai lầm rồi, thưa Trưng vương". - Lữ Lạc tướng lắc đầu - "Khi
chưa có kế hoạch cụ thể chúng ta đã vội triệu vời Đô Dương ra An Biên.
Theo mật ước, họ sẽ tấn công Long Uyên rạng sáng mai. Nếu ta án binh bất
động lúc này, khác nào mời họ vào cho hổ xé xác. Mà nếu ta nhất định
đánh thì lại càng thất sách vì quan quân đang mệt mỏi do thời tiết khắc
nghiệt, sĩ khí hao tổn, cầm chắc bại vong".
"Hay tạm chờ Đô Dương và Lê Chân mở màn trước. Ta vẫn nghĩ bao
vây Long Uyên từ hai phía sẽ tốt hơn". - A Thi góp lời.
"Đũa cả lại đẩy tiên phong cho đũa con, đấy không phải cách của bậc
vương hầu". - Trưng Nhị thẳng thắn góp ý, hoàn toàn không có ý coi
thường A Thi - "Chúng ta sai lầm từ buổi đầu, quyết định dàn trường trận
bảo vệ từng thước đất kinh đô M’linh không thực tế. Mã Viện phải bám vào
cái phao Long Uyên vì y là kẻ lạ. Với chúng ta, khắp Âu Lạc này, chỗ nào
cũng có thể trở thành hành đô kháng Hán, bờ bụi nào cũng có thể xem như
chiến lũy, người dân nào cũng là một chiến sĩ từ trong bản năng".