từng tự đắc mình mang chí lớn, phóng khoáng. Gầy được gia sản hàng ngàn
thú nuôi, y nghĩ đeo chúng hoài thành ra nô lệ vật chất, bèn chia hết cho
anh em, họ hàng, rồi về Trung Nguyên theo binh nghiệp. Đến khi chua chát
nhận rõ chân tướng tư tưởng "thay trời hành đạo" của Thiên tử nhà Hán,
Viện hiểu mọi sự đã lỡ làng. Là tay chân của vua, đại tướng của triều đình,
y lại âm thầm tiếc nuối cuộc sống vô lo và thanh bạch của một gã chăn dê.
Mâu thuẫn quá sức và trái khoáy ấy, đã chụp xuống con người Mã Viện sự
mệt mỏi, chán chường không lối thoát.
Chiến công lớn nhất của Mã Viện không phải là dẹp loạn, bình thiên
hạ mà là xâm lăng, cưỡng chiếm, nô lệ và đồng hóa các dân tộc nhỏ xung
quanh Trung Nguyên. Nếu ở Tây Khương y chưa nhận ra sự vô lý của
chiến tranh thực dân, thì tại Âu Lạc, đứng trước gương tiết liệt của hai dũng
nữ Trưng Trắc, Trưng Nhị; Mã Viện phản tỉnh và hiểu rõ sự vô nghĩa của
sự nghiệp mình hằng theo đuổi. Một nửa quân số Hán đã bỏ mình nơi rừng
thiêng nước độc vì bị người bản xứ giết hoặc dịch bệnh. Bao nhiêu gia đình
ở hai phía tan nát, vợ mất chồng, con lìa cha. Một nấm mồ vĩ đại bị giấu
dưới mặt nước Lãng Bạc âu sầu và lạnh lẽo, muôn năm không một nén
hương sưởi ấm.
Chuyển biến lạ lùng của Mã Viện đã làm hết thảy quân Hán ngạc
nhiên. Chủ tướng của chúng ra lệnh chấm dứt giết chóc. Không những thế
y còn cho lính tiến hành những công trình thủy lợi dân sinh, như đào kênh
dẫn nước, khơi thông rạch lầy, tháo úng đồng ruộng. Phải nói trước đây Mã
Viện cũng từng sửa chữa thành quách, dẫn thủy nhập điền nhưng chủ yếu
cho di dân Trung Nguyên tại Kim Thành, đất cũ của người Khương. Ở Âu
Lạc, qui mô Mã Viện làm rất lớn, phục vụ luôn người bản địa.
Năm 44 Mã Viện trở về kinh sư. Ngoài chiến lợi phẩm và đặc sản Âu
Lạc bắt buộc phải có để dâng vua Hán, y chất thêm mấy âu thuyền đầy hạt
giống, cây trái, hoa quả quí hiếm phương Nam. Từ Hợp Phố đến Ngũ Lĩnh
chuyển qua đường bộ, Mã Viện bí mật thả bớt tù nhân. Y cấp lương thực,