Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi
Hàn Phi Tử
Chương 2
CÁC PHÁP GIA TRƯỚC HÀN PHI
Chiến Quốc là một thời đại đặc biệt chẳng những trong lịch sử Trung Hoa
mà cả trong lịch sử nhân loại nữa. Đọc lịch sử thế giới thời thượng cổ và
trung cổ, chúng tôi không thấy một dân tộc nào có một chương sử như vậy:
đất đai rộng chia làm thành nhiều nước nhỏ, dân đông mà loạn lạc liên
miên trong ba thế kỷ, càng loạn, dân tình càng khổ, mà nhà nào cũng chỉ
nghĩ cứu dân ra khỏi cảnh lầm than, thống nhất quốc gia bằng cách này hay
cách khác, tích cực có, tiêu cực có, một cảnh "trăm hoa đua nở", trong hai
ngàn năm sau không hề tái hiện nữa.
Lâm Tri, kinh đô nước Tề, có thể coi là kinh đô văn hoá của Trung Hoa
thời đó, nơi tụ tập của các danh sỹ bậc nhất. Tư tưởng được hoàn toàn tự
do, mà vua Tề trọng đãi mọi nhà, cho họ ở trong những dinh thự lộng lẫy ở
Tắc môn, cửa tây kinh đô (do đó có tên là Tắc Hạ tiên sinh), tặng họ chức
tước (liệt đại phu) và lương bổng rất hậu, chỉ để thỉnh thoảng hỏi ý kiến họ
về việc nước, hoặc mới họ về triều giảng đạo lý, viết sách truyền bá đạo
của họ. Riêng Mạnh Tử, thời Tề Tuyên Vương cũng đã dắt mấy trăm môn
sinh với một đoàn xe mấy chục chiếc lại ở kinh đô Tề trong mấy năm;
Thuần Vu Khôn, Thận Đáo, Hoàn Uyển, Điền Biền..., còn biết bao triết gia
khác cũng đã qua đó: như vậy ta đủ tưởng tượng được sự thịnh vượng của
văn hoá ra sao.
Tề là nước giầu nhất thời đó, có thể nuôi hàng ngàn hàng vạn kẻ sỹ; ngay
nước Tấn là nước không giàu bao nhiêu, mà cũng là nơi trọng đãi kẻ sỹ, đa
số là pháp gia. Theo Léon Vandermeersch[1] thì Tử Sản, Đặng Tích, Lý
Khắc, Ngô Khởi, Thương Ưởng, Thân Bất Hại đều có thời sống ở Tấn hoặc
những nước chịu ảnh hưởng Tấn.
Sau cùng tới đời Tần Thủy Hoàng, Hàm Dương là kinh đô văn hoá cũng(?)
Trung Hoa đã thống nhất. Lã Bất Vi tập hợp các học giả danh tiếng đương
thời, cấp dưỡng cho họ để họ soạn chung bộ Lã Thị Xuân Thu, gồm 26