Về nhan đề của mỗi thiên, đa số tóm tắt được nội dung của thiên, như Cô
phẫn, Thuế nan, Nhị bính, Bát gian, Bát kinh, Giải lão, Dụ lão, Hiển học,
Ngũ đố… , nhưng cũng có nhiều thiên chỉ dùng hai chữ trong câu đầu làm
nhan đề, như thiên Vấn Điền đã ghi ở trên. Thiên 52 Nhân chủ cũng vậy:
đoạn trên nói về thế, ý nghĩa giống thiên Nhị bính, đoạn dưới nói về sự thù
ghét nhau giữa các kẻ sĩ giỏi pháp thuật và bọn quí tộc cầm quyền, ý nghĩa
giống thiên Cô phẫn. Nhưng nhan đề là Nhân chủ tức hai chữ ở đầu thiên
không liên quan một chút gì với nội dung cả. Những nhan đề như vậy có
thể do người sau đặt, chứ không phải của Hàn.
Khuyết điểm thứ nhì là trong một thiên, sự trình bày có khi lỏng lẻo: trên
hô mà dưới không ứng như thế là thiếu, hoặc trên không hô mà dưới lại
ứng, như vậy là thừa. Chẳng hạn trong thiên 33 Ngoại trừ thuyết tả hạ, có
cố sự nêu ra trong phần Kinh mà không thấy giải thích trong phần Truyện;
ngược lại trong phần Truyện có những cố sự không liên quan gì tới phần
Kinh.
Khuyết điểm thứ ba: có nhiều ý lập đi lập lại một cách vô ích, chứng tỏ
rằng Hàn Phi khi viết không bố cục trước, cứ thuận tay nghĩ tới đâu viết tới
đó, hoặc có thể do nhiều người chứ không phải một mình Hàn Phi viết.
Như thiên 52 Nhân chủ lập lại những ý trong hai thiên 7 Nhị bính và 11 Cô
phẫn nên bị nghi ngờ là của người đời sau ngụy tác. Hai thiên 12 Thuế nan
và 3 Nan ngôn đều diễn tả nỗi khó khăn, nguy hiểm của bọn biện sĩ muốn
thuyết phục các vua chúa. Cách dùng người và nhất là cách thưởng phạt
được nhắc đi nhắc lại trong cả chục thiên;
Khuyết điểm thứ tư là tư tưởng có nhiều chỗ mâu thuẫn: chẳng hạn các
thiên 49 Ngũ đố, 46 Lục phản, 47 Bát thuyết, 30 Nội, trừ thuyết thượng chê
nhân nghĩa; mà thiên 27 Dụng nhân lại có câu đề cao liêm sỉ, nhân nghĩa;
thiên 51 Trung hiếu chê Nghiêu Thuấn không biết lễ vua tôi, mà thiên 25
An nguy, 26 Thủ đạo lại đề cao Nghiêu Thuấn; thiên 3 Nan ngôn, thiên 10
Thập quá khen Quan Long Phùng là người hiền, mà thiên 44 Thuyết nghi
lại chê Quan là can gián mạnh bạo, muốn thắng vua, hăm chúa, chết là
đáng; Ngũ Tử Tư cũng vậy, thiên 3 Nan ngôn, thiên 25 An nguy, thiên 26
Thủ đạo khen, mà thiên 44 Thuyết nghi lại chê.