bản Vương Tiên Thận và có lẽ một phần vào bản Trần Khải Thiên nữa.
Ông Nguyễn chú thích kĩ, gồm các chú thích vào cuối mỗi cuốn và cuối bộ
lại thêm một bản Mục lục các nhân danh và địa danh, với một bản Mục các
đề tài.
Ngoài ra chúng tôi tham khảo thêm ba bộ dưới đây:
- La Formation du Légisme của Léon Vandermeersch (Ecole Française
d’Extrême Orient – Paris 1965);
- Trung Quốc chính trị tư tưởng sử của Tiêu Công Quyền - (Trung
Hoa Văn hóa xuất bản xã - Đài Bắc 1961);
- Trung Quốc cổ đại chính trị gia của Tần Cảnh Dương (Hoa Quốc
xuất bản xã Hương Cảng – 1950)
- Lịch sử tư tưởng chính trị Trung Quốc của Lã Thiên Vũ – bản Việt
dịch của Trần Văn Tân, xuất bản năm 1963 ở Hà Nội, không biết do nhà
nào vì mất bìa
2. Nội dung tác phẩm:
Các bản Hàn Phi tử ngày nay đều theo đúng cách trình bày của người xưa,
chia ra làm 20 quyển, 55 thiên. Sự xắp đặt các thiên khá tạp loạn, không
hợp lí, không theo một qui tắc nào cả. Trần Khải Thiên có sáng kiến sắp đặt
lại, chia thành mười quyển theo qui tắc này: những thiên nào quan trọng
nhất như Hiển học, Ngũ đố, Nạn thế… đưa lên trên, những thiên kém quan
trọng hoặc còn nghi là không phải của Hàn Phi viết thì đưa xuống dưới.
Ngay trong từng thiên, đôi khi nội dung cũng không được nhất trí, chẳng
hạn thiên 42 Vấn Điền gồm hai đoạn không liên quan gì với nhau: đoạn
trên bàn về lẽ nên đề cử các quan văn cũng như võ từ chức thấp lần lần lên
chức cao; đoạn dưới là lời Hán Phi đáp Đường Khê công, đại ý rằng mình
đặt ra pháp luật độ số để làm lợi cho dân, dù có bị hôn quân hãm hại cũng
can tâm. Thiên 18 Nam diện cũng vậy: phần đầu nói về thuật dùng bề tôi,
phần cuối bàn về lẽ không ngại sửa đổi pháp chế thời cổ.