Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi
Hàn Phi Tử
P3 - Chương 1
HỌC THUYẾT HÀN PHI
LỊCH SỬ QUAN
Từ Khổng Tử, không triết gia nào không bất mãn về xã hội thời Đông Chu,
nhà nào cũng đưa ra một biện pháp để cứu thế. Đại khái có hai phái: phái
quý tộc suy vi không muốn đổi mới, phái tân địa chủ muốn đổi mới.
Trong phái trên, Lão tử chủ trương hoàn toàn thoái hóa, trở về chế độ bộ
lạc thời nguyên thủy. Nòng cốt tư tưởng về chính trị (mà cũng về nhân sinh
nữa) của ông ở trong câu: “phản giả đạo chi động” (Đạo đức kinh- chương
40).
Chữ “phản” đó có thể hiểu theo hai nghĩa:
- Nghĩa thứ nhất là tuần hoàn, hết một vòng rồi lại trở về, như trăng tròn rồi
lại khuyết, mặt trời lên tới đỉnh rồi lại xuống, triều dâng rồi rút, hết đông
rồi sang xuân, tóm lại là “vật cùng tắc biến, vật cực tắc phản”
_- Nghĩa thứ nhì là trở về cái gốc, tức cái tự nhiên như “vô”. Vì theo ông,
vạn vật từ cái hữu mà ra, cái “hữu” lại từ cái “vô” mà ra.
Vì vây, ông cho rằng trị nước tốt nhất là “vô vi”, mà lí tưởng là một nước
nhỏ, dân ít mà không đi đâu xa. Có xe thuyền mà không ngồi, có gươm
giáo mà không bày. Bỏ hết văn tự, dùng lối thắt dây (kết thằng) đời thượng
cổ; ai nấy chỉ ăn no, mặc ấm, ở yên ổn; đến chết cũng không qua lại các
nước láng giềng. Nhà cầm quyền không can thiệp đến đời sống của nhân
dân để dân sống theo tự nhiên. (Xem Đại cương triết học Trung Quốc của
chúng tôi, quyển hạ, trang 690, 691- Cảo thơm- Sài Gòn, 1996).