“Tôi có thể mua nó ở đâu tại Berlin?”
“Sếp à, nói thật tôi không biết. Tôi nghe nói ngài Bộ trưởng đã gửi đơn
hàng đặc biệt từ London.”
Kohl cảm ơn anh ta, gác máy rồi nói lại với Janssen những gì ông biết.
“Thế thì có lẽ hắn ta là người Mỹ,” Janssen nói. “Mà có lẽ là không. Vì
Göring cũng đội loại mũ đó.”
“Một mảnh nhỏ của câu đố, Janssen. Nhưng cậu sẽ thấy rằng, nhiều
mảnh nhỏ thường mang lại một hình ảnh tội ác rõ nét hơn một mảnh to
đấy.” Ông rút những phong bì đựng bằng chứng màu nâu ra khỏi túi áo, lựa
chọn phong bì có chứa viên đạn.
Cảnh sát có phòng thí nghiệm pháp y riêng từ thời cảnh sát Phổ còn là
lực lượng thi hành luật pháp chính trong nước (nếu không muốn nói là trên
thế giới, trong thời Cộng hòa Weimar, Cảnh sát đã đóng 97% các vụ án
mạng tại Berlin.) Nhưng các phòng thí nghiệm cũng bị Gestapo càn quét cả
về thiết bị lẫn nhân sự, các công nhân kỹ thuật tại trụ sở đều bị quấy nhiễu,
họ tỏ ra kém kinh nghiệm hơn nhiều so với trước kia. Do đó, Willi Kohl đã
tự biến mình thành chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học hình sự nhất
định. Bất chấp bản thân ông không quan tâm lắm đến các loại súng cầm tay,
Kohl đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng đạn đạo học, cách tiếp cận của ông mô
phỏng theo phòng thí nghiệm vũ khí cầm tay tốt nhất thế giới - tại Cục
Điều tra Liên bang Mỹ của J. Edgar Hoover ở Washington, D.C.
Ông lắc viên đạn rơi xuống một mảnh giấy sạch.
Đeo lên chiếc kính một mắt, ông lấy cặp nhíp rồi xem xét viên đạn thật
kỹ. “Mắt cậu tốt hơn mắt tôi,” ông nói. “Cậu nhìn đi.”
Tay thanh tra học việc thận trọng cầm lấy viên đạn và chiếc kính một
mắt, trong khi Kohl rút ra một bìa đựng hồ sơ từ trên giá sách. Hồ sơ bao
gồm các bức ảnh và phác thảo đạn đạo các loại. Hồ sơ rất dày, đến vài trăm
trang, tuy nhiên thanh tra đã sắp xếp có hệ thống phân chia theo cỡ đạn và
số lượng những đường khía nổi, khía chìm của rãnh xoắn - những gạch sọc
do đường rãnh xẻ trong nòng súng đè lên viên đạn chì - và liệu chúng bị
xoắn sang trái hay sang phải. Chỉ năm phút sau, Janssen đã tìm thấy một sự
trùng khớp.