Ông tự nhủ, dẫu vậy cậu thanh tra tập sự vẫn cần Kohl để tiến lên phía
trước, và sẽ không thể nào tố cáo ông. Có lẽ nguy hiểm không lớn như ông
nghĩ.
Kohl ngước nhìn lên một nhóm quân nhân SS đang đứng bu quanh chiếc
xe tải. Một tên trong số chúng, vóc người cao lớn đội mũ sắt đen, lên tiếng
hỏi, “Chào ông? Chúng tôi có thể giúp gì ông?”
Ông giải thích về chiếc DKW của mình.
“Kẻ giết người phá hỏng nó rồi à? Sao hắn rảnh thế nhỉ? Hắn có thể cho
ông ngửi khói bằng chân trần mà?” Bọn lính phá lên cười. “Rồi, rồi, chúng
tôi sẽ cho ông đi nhờ, Thanh tra. Chờ vài phút nữa thôi.”
Kohl gật đầu, vẫn chưa hết tê liệt khi biết thông tin về Janssen, ông trèo
lên xe tải và ngồi một mình. Ông nhìn chằm chằm mặt trời như cái đĩa màu
da cam khổng lồ đang lặn xuống phía sau một sườn đồi tua tủa những cái
bóng phản chiếu của hoa và cỏ. Người ông trĩu xuống, tựa đầu vào lưng
ghế. Đám quân nhân SS lên xe, nổ máy rời khỏi trường đại học thẳng tiến
về phía Đông nam để quay về Berlin.
Bọn lính tám chuyện về nỗ lực ám sát, các môn thi đấu tại Thế vận hội
và kế hoạch cho buổi mít tình lớn của Quốc Xã ngoài Spandau trong kỳ
nghỉ cuối tuần tới đây.
Đến lúc này, thanh tra đi đến một quyết định. Lựa chọn của ông có vẻ
bốc đồng và ngớ ngẩn, nó đến cũng nhanh như mặt trời chợt biến mất dưới
đường chân trời, sắc chói lọi phút chốc tan biến nhường chỗ cho không
gian lờ mờ xanh xám. Nhưng ông tự nhủ, có lẽ đây không hề là lựa chọn
tỉnh táo mà là lựa chọn không tránh khỏi, rằng nó đã được quyết định từ lâu
rồi, như quy luật bất biến, cũng giống như hết ngày rồi đến hoàng hôn.
Willi Kohl và gia đình ông sẽ rời khỏi nước Đức.
Sự phản bội của Konrad Janssen và Nghiên cứu Waltham - cả hai hình
ảnh tượng trung ảm đạm cho bộ mặt thật của Chính phủ này, cũng như việc
chính phủ đó sẽ đi về đâu - là đủ lý do rồi. Thế nhưng điều thật sự quyết
định vấn đề đó là tên người Mỹ, Paul Schumann.
Đứng cạnh các sĩ quan SS bên ngoài Tòa nhà số 5, nhớ ra mình có cả hộ
chiếu thật của Schumann lẫn hộ chiếu giả của Taggert trong túi, Kohl đã