Sĩ Đạt Đa là người kế vị vua cha, chớ không muốn Thái tử đi xuất gia v.v… Thế mà
Thái tử dứt khoát xuất gia. Ở đây ngài dẫn lại lịch sử của Phật, để nói lên lòng mình.
Ngài hẹn đến sau sẽ gặp nhau trong hội Phật, còn hiện nay cam chịu lìa nhau.
Con chẳng phải quên ơn dưỡng dục, chỉ vì thời giờ chẳng đợi người. Có nghĩa là
sự vô thường đổi thay nhanh chóng, nếu không chịu tu thì già chết tới rồi, làm sao tu kịp,
nên phải ráng nỗ lực tu hành. Ngài nói Thân này chẳng thẳng đời này độ, lại đợi đời nào
độ thân này. Nghĩa là ngay đời này mình không chịu tu cho sáng đạo còn hẹn đời nào nữa.
Vì vậy ngài quyết tâm không trở về nhà, khẳng khái như vậy. Có lời tụng:
“Chưa tỏ nguồn tâm trải mấy xuân,
Thương thay mê mãi luống bâng khuâng,
Cửa không đã lắm người được đạo,
Riêng kẻ thô hàn mãi phong trần,
Viết lá thư này từ cha mẹ,
Nguyện thông đại pháp báo từ ân,
Không nên rơi lệ nhiều thương nhớ,
Xem tợ buổi đầu con không thân”.
Trong bài kệ, ngài nói chưa tỏ nguồn tâm trải mấy xuân. Nghĩa là đã qua một thời
gian rồi, vì chưa nhận được nguồn tâm của mình, nên mất một thời gian dài mê mãi ở
trong trần. Cửa không đã lắm người được đạo, riêng kẻ thô hàn mãi phong trần. Nghĩa là
trong nhà đạo đã có rất nhiều vị ngộ đạo rồi mà riêng ngài chưa xong việc nên ngài phải
quyết tâm: Viết lá thư này từ cha mẹ, nguyện thông đại pháp báo từ thân. Ngài gởi lá thư
này giã từ cha mẹ, nguyện tu hành đạt đạo để đền đáp thâm ân của cha mẹ, chớ không
phải bỏ bổn phận làm con của mình. Đó là cách của người biết ơn, đền ơn trong đạo Phật.
Không nên rơi lệ nhiều thương nhớ, xem tợ buổi đầu con không thân. Ngài khuyên cha
mẹ bớt đi những thương nhớ, cứ xem như trong gia đình không có con từ buổi đầu để
ngài yên tâm tu hành. Bởi vì chỉ có tu hành sáng đạo hay đạt đạo thì mới có thể đền trả
thâm ân cha mẹ một cách rốt ráo mà thôi.