Đạo Phật là đạo siêu xuất thế gian. Tuy nhiên cái gốc vẫn là làm tròn hiếu đạo,
làm tròn bổn phận của một con người đối với cha mẹ, quyến thuộc, ân nhân, xóm làng.
Có vậy mới có thể tiến dần lên Phật đạo.
Chúng ta để lại nhiều của cải cho con cháu không bằng để lại sự hiểu biết, nền
tảng đạo đức, đó mới là gia tài vô giá. Nếu để tài sản nhiều mà không dạy bảo, nhắc nhở
cho con cháu biết sử dụng tài sản ấy đúng tinh thần đạo đức, thì dễ gây ra tai họa thôi. Tai
họa cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội.
Vì vậy trí tuệ, kinh nghiệm đạo đức, hiếu hạnh trong cuộc sống là những điều
không thể thiếu được đối với người con Phật. Phật tử học đạo rồi phải áp dụng Phật pháp
vào trong đời sống của mình. Đó mới là người khôn ngoan, biết lo cho mình và mọi
người.
Ngày xưa, các vị Thánh nói: “Một ngày không nghĩ đến điều thiện thì mọi điều ác
sẽ tự nổi lên”. Đây là yếu tố nằm trong luân lý cuộc sống. Phật tử chúng ta giáo dục gia
đình, dạy dỗ con em, hướng dẫn họ tu tạo công đức thì bản thân mình phải làm gương. Ví
dụ mấy đứa cháu đi học, chúng ta dạy nó khi ra đường gặp người già yếu lớn tuổi không
thấy đường đi, con nên nhường bước hoặc nắm tay dắt dẫn những vị ấy. Thì chúng ta
phải thực hiện trước những điều ấy cho chúng thấy, chúng mới noi theo.
Những việc thiện này, tuy hết sức bình thường nhưng nếu không khéo đôi khi
chúng ta không dạy được con cháu. Bởi vì nếu ra đường ta mở miệng nói những lời tục
tằn, chửi mắng hoặc tranh chấp, đánh lộn, gian giảo… thì làm sao dạy con cháu được.
Thành ra trong gia đình, từ sáng tới chiều, nếu không làm việc tốt nhỏ nào thì nhất định
điều xấu sẽ nảy sinh. Cứ thế ngày này qua ngày khác, rồi cả đời sống của mình ngày nào
cũng toàn là thấy chuyện xấu, chuyện ác, những việc làm đưa lại hậu quả bất hảo, khổ sở
cho người ta.
Rõ ràng tu hành không hẳn đợi tới chùa tụng kinh mới gọi là tu mà nhịn được một
lời khi người nặng nhẹ là đã tu rồi. Nhường một bước đường cho người đi trước cũng là
tu rồi. Dẫn người già qua một cây cầu, một đoạn đường cũng là tu rồi, đâu đợi thời gian
hoàn cảnh nào mới tu. Người con Phật dù ở đâu, hoàn cảnh nào cũng tu được hết. Lúc
nào chúng ta cũng nhớ giữ tâm Bồ đề, giữ niềm vui hòa kính với nhau. Không để niệm