xấu ở trong lòng tác động mình, gây nên những nghiệp không tốt. Đó là chúng ta biết áp
dụng tu hành vào đời sống.
Việc giáo dưỡng con em phần lớn là ở gia đình. Chúng ta cho con đi học đến
trường dĩ nhiên thầy cô dạy dỗ văn hóa, đạo đức. Nhưng về nhà, chúng thấy cha mẹ
không tốt, chúng sẽ mất niềm tin. Từ đó chúng bỏ học hoặc có đến trường cũng chỉ để
gặp gỡ bạn bè, rủ rê chơi bời. Chúng ta không kiểm soát, không dạy bảo, không uốn nắn
được mà đổ cho nhà trường thì quả thực là điều sai lầm, đáng trách.
Cho nên người có trách nhiệm đối với gia đình, phải luôn luôn tỉnh táo, sáng suốt,
làm việc tốt dù hết sức nhỏ. Đạo lý thường nằm trong những việc thường. Chớ cho việc
ác nhỏ mà làm, chớ cho việc thiện nhỏ mà bỏ qua. Chúng ta nên tiết kiệm từng chút
phước, từng việc làm nhỏ. Tu là sửa chớ không phải tu là cạo đầu, mặc áo nhuộm, ở chùa,
ăn chay. Một cá nhân tốt thì gia đình tốt. Một gia đình tốt, xóm làng tốt thì xã hội tốt.
Một xã hội tốt thì quốc gia tốt.
Tóm lại, người Phật tử có hiếu hạnh là một người trong cuộc sống bình thường trôi
tròn bổn phận đối với gia đình. Đối với xã hội là một công dân tốt. Đối với đạo luôn gần
gũi chư Tăng, chư Ni để học hỏi áp dụng giáo lý vào đời sống. Chúng ta nhớ tu cho mình
chớ không tu cho ai hết. Tu được nhiều thì có phước nhiều, công đức nhiều. Phật không
thể dùng thần thông diệu dụng để ban phúc giáng họa cho chúng ta. Phật chỉ có kinh
nghiệm và phương pháp chỉ dạy chúng ta. Làm đúng như vậy chúng ta sẽ thành Phật,
không nghi. Nên mỗi chúng ta phải nỗ lực tu. Muốn có phước thì phải làm phước, muốn
con có hiếu với mình thì mình phải có hiếu với cha mẹ. Muốn đạt đạo thì phải tu đạo,
không thể chỉ mong muốn suông thôi. Đó là những việc Phật tử chúng ta phải thực hành.