HẠNH HIẾU TRONG ĐẠO PHẬT - Trang 72

Khi người thân không chịu đến với đạo, chúng ta muốn đem đạo lý đến với họ thật là khó.

Nhưng nói một lần không được thì hai lần, ba lần… phải cố gắng, cuối cùng duyên thuận,

tốt rồi thì người ta chịu nghe. Bởi vì thật ra người thân của mình có mối quan hệ huyết

thống, tình cảm gia đình là một sợi dây ràng buộc nhiều đời khó dứt, nên rồi cũng phải

theo nhau, nghe nhau.

Vì vậy trong quan hệ gia đình, nếu đạo tâm chưa vững, hành trì pháp môn chưa

đắc lực, thì kết quả về sự tu học của mình và người thân chưa có là bao. Nên biết sợi dây

luyến ái gia đình chưa cắt đứt thì đạo tâm chưa phát huy được, định tuệ chưa đầy đủ được.

Việc tu hành chưa sâu sắc, thì chưa có lợi lạc. Trong kinh Tạp A hàm, Phật bảo các thầy

Tỳ khưu, nếu người thọ trì bảy thứ thọ, người ấy sẽ được sinh lên cõi trời Đế Thích.

Chính trời Đế Thích ngày xưa đã tu pháp này mà trong đó hiếu hạnh là gốc. Ông thường

hay cúng dường cha mẹ và các bậc tôn trưởng. Dung mạo ôn hòa, lời nói nhu nhuyến,

không nói lời ác, không nói hai lưỡi, thường nói lời chân thật. Đối với thế gian bỏn xẻn,

ông tuy tại gia nhưng không bỏn xẻn, thường hay bố thí bình đẳng tất cả. Nên sau đó ông

được sanh lên cõi trời.

Vì vậy đối với cha mẹ, các bậc tôn trưởng, dung mạo chúng ta phải ôn hòa, lời nói

dịu dàng. Ví dụ hôm nào trong nhà có chuyện không vui. Chúng ta cũng phải cố gắng giữ

tâm mình. Không nên đổi nét mặt hay nói những lời không có đạo lý gây sự tỵ hiềm, mất

đi tình nghĩa trong nhà. Những việc này từ đâu mà có? Cũng từ tâm thôi. Khi tâm phiền

não không an, thì những bức xúc trong tâm sẽ hiện ra bộ dáng, gương mặt hầm hầm, lời

nói khó nghe. Khi nổi nóng lên nói những lời ác độc, gây sự hiềm thù, mất hết đạo lý. Đó

là những điều cấm kỵ, người Phật tử không nên như thế.

Thêm nữa, Phật dạy người tu hiếu hạnh còn là người biết bố thí. Bố thí là gì? Bố là

mở rộng, thí là ban cho, ban cho rộng rãi. Theo tinh thần thiền, bố thí là buông bỏ. Buông

bỏ cái gì? Buông bỏ những cố chấp, tham lam, hẹp hòi, tăm tối, nhỏ nhen của chính mình.

Do đó, người tu có thể bố thí trong bất cứ lúc nào, ở đâu cũng được. Nếu thấy có gì cần

buông bỏ thì buông bỏ. Nếu chịu kiểm lại thì sẽ thấy còn có nhiều cái phải buông bỏ. Hãy

mở rộng lòng ra để khoan thứ. Cho nên, trong gia đình có lỗi lầm gì, chúng ta tự khuyên

nhắc, tha thứ cho nhau, chứ không cố chấp làm khổ cho nhau. Đó là hiếu thuận.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.