hoàng bào ngà ngọc, mặc áo nhuộm làm một nhà tu khổ hạnh ở trong rừng. Năm năm
tầm đạo, sáu năm khổ hạnh, Ngài đã học được với những vị đại tiên. Nhưng thấy chưa
phải là con đường rốt ráo nên từ giã đi theo con đường của mình. Cuối cùng, dưới cội Bồ
đề Ngài buông tất cả để thiền định.
Ngài phát đại nguyện: Dù thịt nát, xương tan, nếu không chứng được quả Vô
Thượng Bồ Đề thì quyết không rời khỏi chỗ này. Khẳng định như vậy, cuối cùng Ngài
bừng ngộ, trí tuệ trùm khắp, thành tựu đạo quả Vô Thượng Bồ Đề, trở thành bậc toàn
giác ở trong thế gian. Cuộc đời của Ngài là tấm gương sáng cho toàn thể Phật tử chúng ta.
Từ giáo lý của Ngài chúng ta chiêm nghiệm lại mình, thân này dù có cưng chiều bao
nhiêu thì cũng phải bỏ. Cái chúng ta cho là tâm cũng là bóng dáng của tiền trần, chẳng
qua chỉ là một mớ vọng tưởng hỗn tạp. Cả thân lẫn tâm chúng ta đều giả tạm hà huống là
gia đình, mọi thứ chung quanh có thật đâu. Còn khỏe mạnh, tỉnh táo, thở ra thở vào thì
còn nói ta nói người, chớ như thở ra mà không hít vào thì có ai cứu được đâu! Cha mẹ có
thương cũng không biết làm sao. Dù thạc sĩ y học suốt cả đời nghiên cứu thuốc trị bệnh
cho mọi người nhưng rồi cũng có những bệnh không có thuốc trị.
Người tu khi đã thấm nhuần đạo lý này rồi thì phát huy đức hạnh của mình. Nhờ
đó mà hoàn toàn tỉnh táo đối với tất cả những sự kiện chung quanh. Sống và làm tất cả
các việc công đức như vậy, với một tâm hồn sáng suốt tỉnh táo, không bị vướng mắc gì
hết là tu đạo. Cho nên nói nếu Bồ tát phát tâm Bồ đề thì nhất định chứng được đạo quả
Bồ đề. Trọn được đạo đại thừa, thu nhiếp được tất cả thiện pháp. Nghĩa là thuần thục,
thấm nhuần, phát huy được hạnh thiện rồi thì thu nhiếp được tất cả pháp lành. Từ chỗ
thấm nhuần đạo lý, tu tập một cách kiên quyết, thể hiện được đại hạnh và công đức sâu
dày thì mới thành tựu được đạo quả.
Bồ tát khi thấy chúng sanh khổ não, sinh lòng thương xót nên phát tâm Bồ đề tu
tập, thành tựu đạo quả Vô Thượng. Cũng có trường hợp Bồ tát cảm nhận nỗi khổ điêu
đứng của chúng sanh nên các Ngài nguyện thay họ chịu khổ. Nhờ thế mà thành tựu đạo
quả Bồ đề. Đây gọi là chủng, hạnh, tâm giác của người con Phật. Nghĩa là làm sao chúng
ta phát huy được tâm, mở được trí, thực hành tâm trí của mình cho thật xứng hợp với tánh
giác thì nhất định sẽ thành Phật.