oan thì ông sẽ giúp bà đòi lại công bằng. Ông biết thừa cái tính điêu ngoa
của con gái ông, chỉ là hôm qua ông giận quá nên mới nghĩ oan cho bà.
Bà Chanh đi đến gần trưa vẫn không về, ông Kiên như người mất hồn
chạy tìm khắp xóm, nơi nào bà có thể tới ông đều hỏi cả, nhưng mùa này là
mùa gặt, hầu hết các nhà đều ra đồng, nhà nào có người ở nhà thì đều nói
không gặp bà. Câu chuyện bà Chanh bỏ đi ầm ầm lan tỏa trong xóm, chẳng
mấy chốc đã có không ít người bỏ dở công việc, giúp ông đi tìm bà.
Lúc tôi và Lan về tới xóm mọi người đang tập trung ở nhà ông Kiên
đông lắm. Ông Kiên ngồi ở đầu giường, cả người mềm oặt, đờ đẫn, chẳng
còn chút sức sống nào cả. Miệng ông cứ rên rỉ, lảm nhảm những câu gì ấy
không ai nghe rõ, có lẽ ông đang gọi tên bà. Chúng tôi quanh quẩn ở ngoài
ngõ chứ không vào nhà. Ngoại tôi đi sang, thấy tôi đứng đấy hóng chuyện
thì lập tức quát:
“Trưa trờ trưa trật mới chịu mò về. Còn không về nấu cơm cho mẹ mày
đi, đứng đây làm cái gì?”
Tôi cun cút đi về nhà. Lúc tôi đang ngồi giã cua ở đầu sân thì cái Lan
hộc tốc chạy vào, có vẻ bà tám xuyên lục địa như nó đã nghe ngóng được
tin tức gì mới. Vừa thấy tôi, nó đã sà ngay xuống, nói:
“Mày ơi, có tin tức của bà Chanh rồi đấy.”
Tôi sốt sắng hỏi lại:
“Thấy bà ấy rồi à? Ở đâu?”
“Chưa thấy. Nhưng tìm thấy đôi dép với cái nón mê của bà ấy.” Lan cúi
xuống, nói gần như thì thào với tôi.
“Thế rốt cuộc là như thế nào?” Tôi dừng cái chày giã cua trên tay, đặt nó
sang một bên, rồi lọc nước qua cái rá vo gạo, miệng không ngừng gặng hỏi
nó.
“Vừa rồi có bà Tháp ở đầu làng, vừa đi làm đồng về, nghe thấy mọi
người kháo nhau thì vội vàng chạy vào đây báo. Bà ấy bảo sáng sớm nay bà
ấy đi gặt, có gặp bà Chanh đi bộ về phía đê. Bà ấy hỏi đi đâu, bà Chanh bảo
đi có việc. Thằng Thuận đạp xe ra đê tìm một hồi thì mang về cái nón mê