HÀNH TRÌNH CỦA THÁNG NĂM - Trang 6

buồn hay vui nhìn ra phía sông. Giọng hát của ngoại ngân nga mà da diết
lắm, cứ như mọi sự oán hận cuộc đời đều được trút hết vào đó, khiến cho
tôi thỉnh thoảng nghe đều nổi gai ốc đầy người. Ngoại hát rất hay, nhưng
nội dung những câu bà hát đều khiến cho cả mẹ, cả dì chạnh lòng, còn chị
em tôi thì len lén nhìn ngoại đầy sợ hãi. Lúc ngoại đáng sợ nhất không phải
là những lúc ngoại mắng mỏ, chì chiết hai đứa con gái của mình là mẹ tôi
và dì Mừng, mà chính là những lúc ngoại ngồi hát như vậy. Những lúc như
thế, ngoại già nua, cô đơn và xa cách lắm!

Năm bà cháu, mẹ con, dì cháu chúng tôi ở trong một căn nhà nền đất

nện, cứ mùa gió nồm là nền nhà trơn trượt như vừa trải qua một trận mưa
lũ, thỉnh thoảng còn được bọn kiến đỏ hay dế mèn trưng dụng để đào lỗ xây
nhà. Tường nhà bằng gạch non và trát vữa trộn bùn, động vào đâu là từng
mảng vữa rơi lả tả tới đó, nhiều phần bên hông nhà đã lộ ra những viên
gạch non màu đỏ tươi. Nhà có ba gian, gian giữa đặt một tủ đựng thóc, bên
trên là bàn thờ tổ tiên. Bàn thờ đơn giản chỉ là một bát hương được kê bởi
hai viên gạch vuông vắn bọc mấy lần giấy báo. Hai bên là hai lọ hoa thấp
bằng sứ, được tráng men xanh hơi xỉn, một lọ dùng để cắm mấy cành hoa
vải đã phai hết màu, còn bám đầy mạng nhện và những vết mốc, một lọ
dùng để cắm mấy bó hương tăm, hương bài đủ loại. Hai cái lọ hoa ấy là quà
cưới ngày ông bà ngoại cưới nhau, rồi được bà giữ gìn đến tận bây giờ.
Trước bát hương cũng chẳng bày biện gì ngoài một cái đĩa sành nhỏ. Cứ
đến mùng một, ngày rằm, ngoại tôi thường bày lên đó trái cây hái ngay
trong vườn nhà, khi thì nải chuối, khi thì quả cam, có lúc còn có thêm đĩa
xôi dừa thơm nức.

Hai cột nhà và xà nhà đều làm bằng gỗ xoan đào từ thời cụ chúng tôi để

lại. Qua bao mùa mưa, mùa nắng, mùa gió, mùa bão, dù mái nhà có bị tốc
tung lên bởi gió lốc hay nền nhà ngập trong nước lũ thì hai cây cột nhà đó
vẫn đứng một cách vững chãi. Cái hòm thóc cũng chẳng lớn lắm, được
ngăn ra làm hai để có thể chứa hai loại thóc khác nhau, ở nhà tôi thường là
khăm mằn và si, hai loại thóc phổ biến nhất ở quê lúc bấy giờ. Hai bên
ngăn chung một nắp che, ở dưới đáy hòm mỗi bên đều được khoét một

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.