Kẻ người ta thuê mướn ắt phải là kẻ thấp hèn, nhạt nhẽo, sa cơ, có như
vậy lương tâm người ta mới thanh thản, nhất là Baryton trả cho chúng tôi
rất thấp. Đã hà tiện, lão lại hay lo ngại, nghi ngờ. Hư hỏng truy lạc và trung
thành, những cái đó thường đi đôi, hòa hợp với nhau. Giá tôi bị cảnh sát
truy nã nữa thì có lẽ Baryton lại càng ưa thích hơn. Như vậy tôi sẽ càng
trung thành với lão.
Vả lại, từ lâu tôi đã từ bỏ mọi tự ái. Tôi nghĩ thứ tình cảm ấy là quá
cao sang so với thân phận mình, lại ngàn lần tốn kém so với của cải mình
có. Hy sinh béng nó đi càng tốt.
Giờ tôi chỉ cần giữ một sự ổn định tương đối về ăn uống và thể lực.
Những thứ còn lại chẳng đáng quan tâm. Tuy nhiên nhiều đêm cũng khó
ngủ, nhất là khi nhớ lại những chuyện xẩy ra ở Toulouse, tôi thao thức hàng
giờ.
Tôi không khỏi tưởng tượng ra đủ thứ chuyện bi thảm tiếp sau vụ bà
cụ Henrouille bị ngã dưới hầm xác ướp. Và thế là tôi hoảng sợ đến quặn
bụng, tim đập liên hồi khiến tôi phải vùng dậy khỏi giường, đi đi lại trong
phòng cho đến tận sáng. Trong những cơn khủng hoảng ấy, tôi chịu không
tài nào thanh thản lại để ngủ tiếp. Cho nên chớ bao giờ vôi tin vào nỗi đau
khổ của con người. Hãy hỏi họ có lại ngủ tiếp được không?... Nếu được,
mọi việc đều tốt. Thế là đủ.
Phần tôi, tôi không bao giờ ngủ được đẫy giấc. Tôi đã mất cái thói
quen tin cậy, mà có thật tin cậy vô biên thì con người mới có thể ngủ say
đẫy giấc. Ít nhất tôi phải bị bệnh, bị sốt rét, bị tai họa cụ thể gì đó thì mới
thấy lại được sự dửng dưng và loại trừ nỗi lo âu, phục hồi sự bình tĩnh
thiêng liêng và ngớ ngẩn. Qua nhiều năm, những ngày duy nhất tạm chịu
đựng được mà tôi còn nhớ, là mấy ngày tôi bị cúm, bị sốt cao
Baryton không bao giờ hỏi thăm đến sức khỏe của tôi. Lão cũng chẳng
quan tâm đến sức khỏe của bản thân. “Khoa học và đời sống là một sự pha
trộn tai hại, Ferdinand ơi! Tôi nói thật, hãy tránh quan tâm đến thân mình...
Mỗi vấn đề đặt ra cho cơ thể đều biến thành một kẽ hở... Một sự mở đầu
cho lo âu, ám ảnh...” Đó là những nguyên lý sinh học đơn giản mà lão ưa