Và lại một lần nữa họ bỏ mặc luôn bà cụ trong cái xó ấy để bà tự xoay
xở lấy. Tuy nhiên, họ cũng muốn bằng mọi cách cho tôi thấy được bà cụ,
tôi đến cũng vì thế, và làm sao cho bà cụ tiếp chúng tôi, đó cũng là một
mánh lới phi thường. Mà nói cho cùng, tôi cũng không hiểu hết được họ
muốn gì ở mình. Chính chị gác cổng, cô thằng Bébert, nói đi nói lại với họ
rằng tôi là một thầy thuốc rất hiền lành, đáng mến, được lòng mọi người...
Họ muốn biết liệu tôi có thể chỉ dùng thuốc mà làm cho bà cụ chịu ở yên
không... Hơn nữa, trong thâm tâm, họ còn muốn (nhất là mụ con dâu bà cụ)
rằng tôi nhận đưa bà cụ vào nội trú trong nhà thương một lần luôn cho
dứt... Chúng tôi phải gõ cửa đến nửa tiếng đồng hồ bà cụ mới chịu mở và
tôi thấy ngay trước mặt mình một bà cụ già với hai con mắt viền nhử hồng
hồng. Nhưng trên đôi má hốc hác xạm nâu, bà cụ vẫn có cái nhìn tinh anh
lanh lợi, cái nhìn khiến cho ta không thể bỏ qua và cũng không còn nghĩ gì
đến những gì còn lại, bởi vì nó ánh lên một thích thú nhẹ nhàng của tuổi
thanh xuân.
Ngay trong bóng tối, cái nhìn lanh lợi ấy khuấy động cả xung quanh
một niềm vui tươi trẻ, một hào hứng nhỏ nhoi nhưng trong sáng mà chúng
ta không còn có được nữa. Giọng bà run run khi bà gào thét nhưng lại lanh
lảnh khi bà muốn dùng những từ ngữ bình thường như mọi người, câu chứ
nhảy nhót tung tăng, líu ra líu ríu, nửa nói nửa hát, vừa hồn nhiên, vừa thẹn
thùng, vừa bệnh hoạn.
Tuổi tác phủ lên người bà như một gốc cây già run rẩy với những tán
lá đung đưa.
Bà cụ Henrouille rất vui, lòng bất mãn, người cáu bẩn nhưng rất vui.
Hơn hai chục năm sống trong thiếu thốn cùng quẫn mà cái đó không hề để
chút dấu vết trong tâm hồn bà. Chính là do phải chống cự với cái bên ngoài
mà bà phải co mình lại, cũng như cái rét, cái khủng khiếp và cái chết chỉ có
thể đến với bà từ bên ngoài, chứ không phải bên trong con người và tâm
hồn bà. Cái bên trong ấy, bà chẳng có gì phải nghi ngờ, dường như bà tuyệt
đối tin chắc vào đầu mình như một cái gì dứt khoát không thể chối cãi
được, tất nhiên là thế.