Còn tôi, kẻ đã xiết bao theo đuổi chính cái đầu mình và theo đuổi cả
mọi người xung quanh nữa.
“Điên”, người ta bảo bà cụ như thế, kể thì bảo là “điên” cũng dễ thôi.
Trong mười hai năm, bà cụ chỉ ló ra khỏi nơi ẩn náu của mình có ba lần, tất
cả chỉ có thế! Có thể là bà cụ có những lý do của mình... Bà cụ không muốn
mất gì cả... Bà chẳng muốn nói ra những lý do ấy vì cuộc đời đâu còn gây
cảm hứng cho ta.
Con dâu bà lại nhắc đến chuyện đưa bà cụ vào nhà thương.
-Bác sĩ ơi, ông có tin là bà tôi điên không?... Không còn cách gì để bà
tôi ra ngoài cả!... Thỉnh thoảng ra ngoài thì chỉ tốt cho bà thôi!... Bà ơi như
thế tốt cho bà đấy! Bà đừng trả lời không nhé... Chỉ tốt thôi bà ạ! Con đảm
bảo với bà.
Bà cụ lắc đầu, dửng dưng, ương bướng, man dại. Họ vẫn ra sức đon đả
mời mọc:
-Bà tôi không muốn ai chăm nom đến bà... Bà cứ muốn sống mãi
trong xó xỉnh ấy... Trong ấy lạnh lắm mà không có lửa sưởi... Không thể
nào cứ để bà như thế... Phải không bác sĩ, không thể như thế được...
Tôi làm như người không biết gì. Lão Henrouille thì cứ đứng ì ra bên
lò bếp, lão thích để mặc việc mồi chài giữa mụ vợ lão với mẹ lão và với tôi.
Bà cụ lại nổi giận.
-Các người trả lại cho ta tất cả những gì của ta, rồi ta sẽ đi khỏi đây!...
Ta sẽ có cái để mà sống!... Và các người sẽ không còn phải nghe nói đến ta
nữa!... Chỉ một lần là xong hết!...
-Sống bằng gì? Bà ơi, bà không thể nào sống được với ba nghìn quan
một năm của bà đâu!... Đời sống đã đắt đỏ lên từ lúc bà ra ngoài lần cuối ấy
rồi!... Có phải không, bác sĩ nhỉ, tốt nhất là cứ đến với các bà xơ, như người
ta bảo bà... Các bà xơ trông nom tốt lắm... Các bà xơ tử tế lắm...
Nhưng cái viễn cảnh đến với các bà xơ càng làm bà cụ khiếp sợ.
-Đến các bà xơ ư? Đến các bà xơ ư?... bà cụ cự lại liền. Ta là ta chẳng
bao giờ đến các bà xơ!... Tại sao ta không đến với linh mục như các
người!... Hử? Nếu ta không có đủ tiền như các người nói thì ta còn lao
động được!...