hại mình, bây giờ họ không còn biết được mình thế nào rồi. Thế là tốt. Tôi
nói ba, vì tính luôn cả con gái họ, con bé Thérèse, bị lên nhọt đầu đanh
mưng mủ, do nó ngứa gãi nhiều vì rận rệp. Thật quả là vào nhà các bà gác
cổng đến khốn khổ vì rệp cắn, có thể nói y như đi xuyên dần vào một cái
bàn chải.
Ngọn lửa ga dài bằng ngón tay ở cổng vào, rọi xuống những người đi
trên hè đường và biến luôn họ thành những bóng ma ngơ ngác trong cái
khung cổng tối om. Rồi họ tiếp tục thay đổi màu sắc, đó đây, trước mỗi
khung cửa sổ hay mỗi cột đèn, cuối cùng thì họ cũng như tôi, tan biến vào
bóng đêm, tối đen và mềm nhũn.
Cũng chẳng còn cần nhận biết xem ai đang đi trên đường. Tuy vậy, kể
cũng hay hay, trong lúc họ tản bộ thế kia, giá tôi có thể giữ họ lại, chỉ một
giây ngắn ngủi, chỉ đủ để mà nói với họ, cũng một lần này thôi, rằng tôi, tôi
sắp sửa đi biệt tăm biệt tích, đi khá xa, rằng tôi nguyền rủa họ và sẽ chẳng
còn anh nào làm gì được tôi, chẳng còn ai mưu hại được tôi...
Đến đại lộ Tự do, những chiếc xe chở rau run rẩy tiến lên phía Paris.
Tôi đi theo họ. Tóm lại thì tôi đã gần hoàn toàn rời khỏi Rancy. Cũng
chẳng nóng vội gì. Để sưởi ấm, tôi tạt vào lều của cô thằng Bébert. Chiếc
đèn của chị tỏa bóng vào tận cuối hành lang. Tôi nghĩ thầm: “Để kết thúc,
mình cũng phải chào “tạm biệt” cô thằng bé”.
Chị đang ngồi trên chiếc ghế như thường ngày, giữa những mùi quen
thuộc của căn lều, với cái lò nhỏ sưởi cho tất cả, và khuôn mặt già nua của
chị lúc nào cũng muốn khóc kể từ ngày thằng cu Bébert mất, rồi trên tường,
ngay trên cái hộp khâu, một tấm ảnh học trò của Bébert, khoác tạp dề, đội
bê rê và đeo thánh giá. Đây là một tấm ảnh phóng đại do chị mua cà phê
được thưởng. Tôi đánh thức chị.
-Ôi, chào bác sĩ, chị giật mình và tôi còn nhớ rõ chị nói gì. Chị nhận
xét luôn: Trông bác sĩ như đang mệt! Ông ngồi xuống đây đã... Tôi cũng
không khỏe đâu...
-Tôi đang đi dạo một vòng, tôi trả lời để khỏi lúng túng.
-Khuya khoắt thế này mà đi dạo, nhất là lại đi về phía quảng trường
Clichy... Đường ấy vào giờ này là gió rét lắm đấy!