Người ta đã từng đón chờ mụ vợ lão ở chỗ quẹo trong khu phố với
những lời xấu xa độc địa về vụ gây thương tích nặng lần trước. Cái đó sẽ để
lại sau. Lúc này lão chồng không còn biết được sống chết ra sao. Lão như
đã ít nhiều ra khỏi cuộc sống rồi, nhưng vẫn không sao tống khứ được hai
lá phổi. Lão đẩy hơi ra thì nó lại quay lại. Lão muốn ra đi lắm, nhưng lại cứ
phải sống, cho đến cùng. Một công việc thật là tàn khốc mà lão lại ngấp
nghé thèm thuồng.
- Tôi không còn cảm thấy được hai chân mình rồi, lão rền rĩ... Tôi lạnh
đến đầu gối rồi... Lão muốn rờ xuống chân mà không sao được.
Uống cũng không còn uống nổi. Gần như xong rồi. Đưa cho lão chén
trà do mụ vợ pha tôi tự hỏi không biết mụ ta có đổ cái gì vào đấy không.
Mùi trà vẫn thơm, nhưng mùi vị chưa phải là chứng cứ, nước cỏ mèo chẳng
khó ngửi à, thế mà uống vào lại giảm đau. Với lại đã khó thở như chồng mụ
thế kia thì chén trà có làm sao cũng chẳng quan trọng. Tuy vậy lão vẫn
gắng gượng, còn tí gân cốt nào là còn cố để mà đau đớn, để mà phì phò hơn
nữa. Lão vật vã với cái sống cũng như với cái chết. Có lẽ tan vỡ cũng là ở
những trường hợp này đây. Khi thiên nhiên đã cóc cần nữa thì chẳng còn
giới hạn nào. Núp sau cánh cửa, mụ vợ nghe ngóng việc khám bệnh của tôi,
nhưng tôi đã biết tỏng mụ ta rồi. Tôi rón rén để bắt được mụ quả tang. Mụ
chẳng hề mếch lòng mà còn ghé lại nói thầm bên tai tôi:
-Bác sĩ ơi, có lẽ phải tháo hàm răng giả cho ông ấy... Có thể hàm răng
giả làm cho khó thở.
Tôi cũng rất muốn lão ta bỏ hàm răng giả ấy ra.
-Bà vào mà bảo ông ấy! tôi khuyên mụ. Đây là một việc nhờ vả tế nhị
trong tình trạng lão như thế.
-Không! Không! bác sĩ làm thì hơn! mụ nằn nì.
Tôi biết rằng tôi mà làm sẽ có chuyện gì đây. Tôi hỏi mụ:
-Chà! sao lại lạ thế nhỉ?
-Ông ta gắn hàm răng giả đã ba chục năm nay mà có nói gì với tôi
đâu...
-Thế thì ta có thể cứ để đấy cho ông ấy? tôi đề nghị. Vì ông ấy đã có
quen thở với nó rồi...